Giáo viên cốt cán cấp Tiểu học tham gia bồi dưỡng

Đây là đợt bồi dưỡng thứ 9 và thứ 10 trong năm 2020 do Trường Đại học Vinh phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức trong khuôn khổ Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP).

TS. Tăng Thị Thanh Sang - Giám đốc Trung tâm BD NVSP Trường Đại học Vinh khai mạc đợt bồi dưỡng

Với phương thức bồi dưỡng 5-3-7 (5 ngày bồi dưỡng trực tuyến qua hệ thống LMS, 3 ngày bồi dưỡng trực tiếp tại Trường Đại học Vinh và 7 ngày học viên tự hoàn thành bài học qua hệ thống LMS với sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm chủ chốt), giáo viên Tiểu học cốt cán đã được hướng dẫn, tập huấn nội dung kiểm tra, đánh giá học sinh Tiểu học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.

TS. Lê Quang Vượng - Phó Trưởng BQL Chương trình ETEP Trường Đại học Vinh phát biểu

Mặc dù trong 2 đợt bồi dưỡng này, số lượng học viên tập trung tương đối đông (hơn 700 người/đợt), nhưng nhờ sự chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị, các hậu cần nơi ăn, chốn nghỉ nên Trường Đại học Vinh đã hoàn thành tốt chương trình bồi dưỡng. Học viên hoàn toàn yên tâm chủ động, tích cực học tập, đa số tự tin sẽ triển khai tốt cho giáo viên đại trà và áp dụng các kiến thức, phương pháp đã học trong giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới.

Học viên say sưa thảo luận, hoàn thành các nội dung bồi dưỡng

Trình bày sản phẩm của nhóm

Thực hiện Kế hoạch số 41/KH-BGDĐT ngày 22/01/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt, năm 2020, Trường Đại học Vinh đã tổ chức 10 đợt bồi dưỡng trực tiếp cho gần 6.000 lượt giáo viên phổ thông cốt cán của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Tham gia bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán, Trường Đại học Vinh đã điều động 87 giảng viên sư phạm chủ chốt của các khoa, viện trong Trường, trong đó có 21 Phó Giáo sư, 60 Tiến sĩ.

Nhà trường cũng đã dành phần lớn cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị để phục vụ tốt nhất cho các đợt bồi dưỡng; hợp đồng với các nhà thầu bố trí nơi ăn ở, xe đưa đón học viên.

Sau bồi dưỡng trực tiếp, giảng viên sư phạm chủ chốt và giáo viên phổ thông cốt cán đã hỗ trợ được cho gần 80.000 lượt giáo viên phổ thông đại trà tự bồi dưỡng qua hệ thống LMS.

TT. ETEP