Hiện nay chương trình giáo dục (GD) phổ thông tổng thể được xây dựng, đề xuất và cụ thể hoá nhiều đổi mới mang tính căn bản trong GD phổ thông như: Dạy học (DH) và đánh giá dựa trên năng lực; DH tích hợp giải quyết các vấn đề thực tiễn; GD qua hoạt động trải nghiệm. Các đổi mới này đặt ra yêu cầu mới đối với người giáo viên - những người đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện thành công các chương trình giáo dục và là nhân tố quan trọng nhất trong công cuộc đổi mới giáo dục - đòi hỏi giáo viên cần được trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ để đảm nhiệm tốt hoạt động dạy học.

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phát triển giáo viên do đó có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đổi mới GD lúc này. Điều này đòi hỏi các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục cần xem xét và phát triển các chương trình đào tạo giáo viên sao cho phù hợp với những giá trị được theo đuổi. Những hiểu biết chung về hoạt động bồi dưỡng, phát triển giáo viên trên thế giới, đặc biệt là từ những nước có nền giáo dục tiến bộ và thành công là một kênh tham khảo tốt, giúp các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục có thể học hỏi, kế thừa, đồng thời có thêm những cơ sở, căn cứ, ý tưởng để phát triển chương trình bồi dưỡng giáo viên mới phù hợp với bối cảnh thực tế của Việt Nam.

Bài viết này trình bày sơ lược về các hoạt động phát triển, bồi dưỡng giáo viên ở những quốc gia có nền giáo dục phát triển và có những kết quả đã được ghi nhận, qua đó cung cấp kiến thức giúp các nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục xây dựng, phát triển chương trình bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu và mục tiêu giáo dục mà chương trình phổ thông mới đặt ra.

BỒI DƯỠNG PHÁT TRIỂN GIÁO VIÊN Ở SINGAPORE: CÁCH TIẾP CẬN DỰA TRÊN NGHIÊN CỨU HOẠT ĐỘNG NHÀ TRƯỜNG VÀ SỰ HỢP TÁC

Tầm nhìn của giáo dục Singapore là xây dựng "Trường học tư duy, dân tộc biết học tập" (Thinking schools, learning nation) nhằm chuẩn bị cho một thế hệ trẻ tận tâm và có kỹ năng tư duy, đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng của Singapore. Các kỹ năng và kiến thức giảng dạy ở nhà trường cần đáp ứng những yêu cầu và thách thức của thế kỷ XXI. Mục tiêu giáo dục của Singapore là nhằm phát triển toàn diện nhân cách học sinh, giúp họ trở thành những công dân phát triển toàn diện: phong phú về kiến thức, kinh nghiệm, năng lực và phát huy tối đa khả năng của bản thân về các mặt đạo đức, trí tuệ, thẩm mĩ, thể chất, xã hội. Singapore đã phát triển một hệ thống toàn diện để tuyển chọn, đào tạo và phát triển giáo viên đại trà và giáo viên cốt cán. Một trong những yếu tố then chốt của hệ thống đó là hoạt động phát triển chuyên môn nhằm phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên.

Tất cả các giáo viên của Singapore đều được đào tạo về sư phạm tại một địa chỉ duy nhất: Viện Giáo dục Quốc gia thuộc trường Đại học Công nghệ Nanyang. Hằng năm các giáo viên cần phải tham gia ít nhất 100 giờ đào tạo bồi dưỡng, với nhiều hình thức khác nhau. Các khóa học ở Viện Giáo dục Quốc gia thường tập trung vào các nội dung môn học và sư phạm học. Mô hình người giáo viên thế kỉ XXI và khung năng lực giáo viên mà Singapore hiện nay đang theo đuổi và từ đó có thể xây dựng nên những khóa học bồi dưỡng phát triển chuyên môn tương ứng cho giáo viên được tổng hợp và thể hiện ở bảng dưới đây.

Mô hình người giáo viên thế kỉ XXI của Singapore

 

Giá trị 1: Theo đuổi giá trị "HS là trung tâm"

Giá trị 2: Đặc điểm

Giá trị 3: Chuyên môn và cộng đồng

- Có sự khoan dung

- Tin rằng tất cả mọi đứa trẻ đều có thể học

- Tận tụy với việc khơi dậy những tiềm năng trong mỗi đứa trẻ

- Coi trọng sự khác biệt

- Đích hướng đến là những tiêu chuẩn cao

- Hướng đến sự thực chất

- Tìm tòi với hoạt động học

- Nỗ lực phát triển

- Có đam mê

- Có khả năng thích ứng và linh hoạt

- Có đạo đức

- Chuyên nghiệp

- Học tập hợp tác và thực hành

- Hỗ trợ hướng nghiệp và chuyên môn

- Tham gia và có trách nhiệm với xã hội

- Khả năng mộ điệu

Kỹ năng

Kiến thức

- Có các kỹ năng phản tỉnh và khả năng tư duy

- Có các kỹ năng sư phạm

- Có kỹ năng quản lý con người

- Có kỹ năng tự quản lý bản thân

- Có kỹ năng điều hành và quản lý

- Có kỹ năng giao tiếp

- Có kỹ năng trợ giúp

- Có kỹ năng đổi mới và kỹ năng làm chủ doanh nghiệp

- Có sự thông minh xã hội và thông minh cảm xúc

- Về bản thân

- Về học sinh

- Về cộng đồng

- Về nội dung môn học

- Sư phạm

- Về chính sách giáo dục

- Về chương trình môn học

- Hiểu biết phong phú

- Có hiểu biết về những vấn đề toàn cầu

- Có hiểu biết về môi trường

Khung năng lực giáo viên

Khía cạnh thể hiện

Năng lực cốt lõi

Thực hiện chuyên môn

1. Nuôi dạy trẻ

2. Cung cấp hoạt động DH có chất lượng

3. Trau dồi kiến thức

- khả năng làm chủ môn học

- Có tư duy phản tỉnh

- Có óc phân tích

- Có ý tưởng, sáng kiến

- Có khả năng sáng tạo trong DH

- Biết tập trung cho tương lai

Lãnh đạo và quản lý

1. Trái tim và trí óc mẫn tiệp

- Hiểu rõ môi trường

- Phát triển người khác

2. Làm việc với người khác

- Cộng tác với phụ huynh

- Làm việc trong nhóm

Hiệu quả cá nhân

Biết mình biết người

- Biết điều chỉnh bản thân

- Luyện rèn tinh thần liêm chính/chính trực

- Hiểu và tôn trọng người khác

- Linh hoạt và có khả năng thích ứng

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và phát triển giáo viên được quan tâm, trong đó họ quan tâm trang bị cho giáo viên năng lực dạy học cá biệt hóa, có khả năng sử dụng thành thạo công nghệ vào giảng dạy; khuyến khích giáo viên thành nhà thực hành tự chủ, năng động và phát triển giảng dạy qua nghiên cứu và sử dụng các kết quả nghiên cứu nâng cao chất lượng giảng dạy.

Mục tiêu và cách tiếp cận giáo dục của các hoạt động bồi dưỡng, phát triển giáo viên

Mục tiêu của Singapore là làm thế nào để đảm bảo mọi người giáo viên đều trở thành người giáo viên xuất sắc. Để thực hiện điều này, hoạt động phát triển giáo viên ở Singapore có ba vai trò chính khác nhau:

(1) Hình thành nếp suy nghĩ đúng đắn cho giáo viên. Các nhà giáo dục Singapore cho rằng nếu như nếp suy nghĩ của giáo viên không đúng, bất kể điều gì họ làm đi chăng nữa đều có thể không hữu dụng. Giáo viên Singapore được giúp để hiểu về sự tin tưởng hữu hiệu đối với hoạt động dạy học. Cụ thể, họ được truyền niềm tin rằng dạy học không chỉ là một quá trình hay đơn thuần là sự ghi nhớ mà là quá trình tư duy. Một cách mà những người đào tạo, phát triển giáo viên Singapore làm việc này đó là cho giáo viên dành thời gian để giải quyết những vấn đề "mỏ neo" - là những vấn đề phức hợp thường được giới thiệu ở mỗi đầu bài học nhằm thúc đẩy suy nghĩ sâu ở người học và nhằm tổng hợp vô số các phương án và giải pháp.

(2) Giúp giáo viên kiến tạo tri thức. Giống như học sinh, giáo viên cần kiến tạo tri thức chứ không phải là tiếp nhận nó. Việc kiến tạo tri thức của giáo viên phải hướng tới phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như tư duy cao cấp ở HS một cách hiệu quả.

(3) Tăng cường năng lực học tập. Giáo viên cần phải là những người học suốt đời. Một mục tiêu quan trọng của hoạt động phát triển chuyên môn đó chính là tăng cường khả năng học tập ở giáo viên. Điều này có thể được thực hiện thông qua hoạt động giải quyết và thảo luận những vấn đề mới lạ, không theo một lối mòn. Khi giáo viên nhận thấy rằng bằng cách giải quyết những vấn đề phong phú này họ có thể nâng cao khả năng giải quyết vấn đề, họ sẽ muốn học nhiều hơn.

Nhiều nhà giáo dục Singapore dùng các cộng đồng học tập phát triển chuyên môn, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu bài học, nhằm nâng hoạt động dạy học trên lớp. Các giáo viên Singapore nhận thấy việc nghiên cứu bài học có hiệu quả đặc biệt trong việc giúp họ nâng cao những kiến thức quan trọng. Các khóa học bồi dưỡng được tập trung vào bồi dưỡng, phát triển chuyên môn dựa trên các hoạt động của nhà trường đồng thời vẫn duy trì các hoạt động phối hợp, từ đó tạo nên một cộng đồng phát triển chuyên môn, nơi mà các giáo viên có thể cùng nhau phát triển hoạt động dạy và học. Bằng cách đó, các nội dung và hoạt động bồi dưỡng trở nên thiết thực hơn do gắn liền với thực tế dạy học tại trường phổ thông.

Qua các buổi bồi dưỡng, các giáo viên không chỉ nắm bắt được những vấn đề đang xảy ra trong các hoạt động dạy học hàng ngày mà còn được giới thiệu những phương pháp dạy học mới. Mỗi nhà trường đều có một quỹ riêng để có thể sử dụng cho việc phát triển giáo viên, bao gồm cả việc hình thành, phát triển những tư tưởng, quan điểm giáo dục, dạy học mới qua việc đi ra nước ngoài để tìm hiểu thêm về nền giáo dục của các nước trên thế giới. Trung tâm Giáo viên Singapore được hình thành và đi vào hoạt động vào cuối năm 2010 để nhằm khuyến khích giáo viên có thể liên tục chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất về hoạt động giáo dục, dạy học.

Ở Singapore, giáo viên được khuyến khích để trở thành những người học suốt đời. Một trong những lĩnh vực quan trọng mà các nhà đào tạo giáo viên người Singapore muôn phát triển ở giáo viên đó chính là kiến thức sư phạm về môn học. Điều này có nghĩa là các giáo viên tiểu học có thể không cần thiết biết hết về toán cao cấp nhưng họ cần học nội dung toán mà họ sẽ dạy dựa trên những quan điểm giáo dục tiến bộ. Một nghiên cứu gần đây về phát triển giáo viên vào năm 2008 cho thấy các giáo viên Singapore có kiến thức sư phạm về môn học rất cao và kiến thức sư phạm của của những giáo viên cao cấp nằm trong top đầu của Mĩ cũng chỉ ngang bằng với những người giáo viên trung bình ở Singapore. Điều này rất đáng suy nghĩ ở chỗ một người giáo viên trung bình của Singapore có ít năm được đào tạo về giáo dục hơn so với một người giáo viên trung bình ở Mĩ, tính từ lúc sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Tóm lại, hoạt động phát triển chuyên môn cho giáo viên Singapore nhằm giúp các giáo viên cập nhật những kiến thức tiến bộ về môn học, nâng cao năng lực và các kỹ năng sư phạm, sự thích nghi với môi trường học tập mới, giúp cho giáo viên có thể tạo ra những sự thay đổi phù hợp trong chương trình dạy học cũng như các hoạt động dạy học trong thực tế, hỗ trợ trao đổi thông tin và kinh nghiệm dạy học giữa các giáo viên cùng chuyên môn.

BỒI DƯỠNG, PHÁT TRIỂN GIÁO VIÊN Ở MALAYSIA: MỘT CHIẾN LƯỢC NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Giáo viên được coi là lực lượng quan trọng giúp Malaysia đạt được những mục tiêu GD đề ra trong việc nâng cao chất lượng GD và phát triển con người. Sự cần thiết phát triển chuyên môn cho giáo viên được Malaysia đề cập đến vào đầu năm 1995 với một hội đồng đặc biệt được Bộ Giáo dục nước này thành lập để nghiên cứu chuyên môn và phát triển nghề nghiệp cho giáo viên. Hoạt động phát triển chuyên môn cho giáo viên được xem như là một phương tiện nhằm nâng cao năng lực DH. Những khuyến nghị được hội đồng đặt ra bao gồm:

- Giáo viên nên được khuyến khích tham gia các khóa học bồi dưỡng.

- Giáo viên nên được khuyến khích phát triển hoạt động GD của mình.

- Các cơ hội nên được trao cho giáo viên để đi tham quan, học hỏi về GD ở các nước trên thế giới.

- Các chương trình bồi dưỡng, tập huấn giới thiệu cho giáo viên cần cho giáo viên nhận thấy được những vai trò, vị trí, trách nhiệm mới.

- Các khóa học quản lý được cung cấp cho giáo viên tiềm năng trở thành những giáo viên lãnh đạo.

- Các phòng học nên được xây dựng dựa vào môn học.

- Các trung tâm giáo viên nên hỗ trợ phát triển chuyên môn cho giáo viên: nên được xây dựng ở những địa điểm chiến lược, được trang bị công nghệ hiện đại và được hỗ trợ kinh phí, nhân lực đầy đủ, phù hợp.

Các chương trình bồi dưỡng giáo viên được thiết kế nhằm nâng cao kỹ năng, năng lực chuyên môn và trình độ học thuật trong lĩnh vực của giáo viên, đồng thời, nhằm giúp giáo dục bám sát với sự phát triển của thời đại, của thực tiễn và chuẩn bị cho giáo viên trước những thách thức của thời kì toàn cầu hóa. Các khóa học cung cấp cho giáo viên có thể là:

+ Phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên tại các cơ sở đào tạo giáo viên.

+ Các chương trình phát triển và bồi dưỡng ngắn hạn và liên tục dành cho giáo viên đứng lớp (kéo dài từ 1 đến 5 ngày).

+ Chương trình phát triển và đào tạo giáo viên ngắn hạn và liên tục dành cho giáo viên bộ môn Khoa học, Toán học, Công nghệ thông tin và Tiếng Anh.

Hoạt động phát triển chuyên môn liên tục và bồi dưỡng giáo viên là những yếu tố quan trọng giúp duy trì và phát triển năng lực giáo viên ở Malaysia. Chính phủ đã cung cấp nguồn ngân sách giáo dục khá lớn hằng năm để thực hiện các hoạt động bồi dưỡng giáo viên. Hai dạng khóa học bồi dưỡng được chú trọng đó là các khóa học nâng cao trình độ và khóa học nâng cao kỹ năng, kiến thức cho giáo viên, thường kéo dài dưới một năm. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng được khuyến khích thực hiện các chương trình bồi dưỡng tại trường nhằm phát triển và nâng cao kiến thức lý luận và thực tiễn cho giáo viên với những nội dung phong phú, trải rộng dựa trên những nhu cầu của nhà trường.

Việc nhấn mạnh một nền GD có chất lượng đòi hỏi các lực lượng DH phải có năng lực trong việc thực hiện chương trình. Sự chuyển đổi hoạt động học đòi hỏi giáo viên cần có những kiến thức, kỹ năng và thái độ từ biết như thế nào sang nghệ thuật DH sáng tạo. Để nâng cao hoạt động bồi dưỡng, Malaysia chú trọng thực hiện các hoạt động sau:

- Mở rộng con đường học vấn cho giáo viên - khuyến khích giáo viên tham gia các khóa bồi dưỡng thường xuyên trong năm.

- Nâng cao trình độ cho các nhà GD, đào tạo giáo viên.

- Nâng cấp trình độ đầu vào đối với các nhà GD, đào tạo giáo viên.

- Hoạt động nghiên cứu và phát triển được coi như là một phần của hoạt động của môi trường đại học.

- Các chương trình hỗ trợ chương trình môn học.

- Các khóa học về quản lý GD được thiết kế dành cho những người điều hành và lãnh đạo nhà trường.

- Các khóa học bồi dưỡng giáo viên tài năng.

- Chương trình phát triển chuyên môn kéo dài 14 tuần dành cho giáo viên.

- Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ kéo dài 1 năm.

Những chương trình và khóa học này không hướng đến loại hình "giá rẻ", do đó, Chính phủ phải là người cung cấp để có thể từng bước vượt qua được vấn đề này thông qua những cách đánh giá, kiểm tra khác nhau.

BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN Ở THÁI LAN: CHUYỂN TỪ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG TẬP TRUNG SANG HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG DỰA VÀO NHÀ TRƯỜNG

Giáo dục là lĩnh vực được Chính phủ Thái Lan ưu tiên đầu tư. Trước đây, các khoá đào tạo, bồi dưỡng phát triển tay nghề giáo viên thường được tổ chức tập trung ở một thành phố. Muốn tham gia, giáo viên phải nghỉ dạy. Cách tổ chức như vậy được cho là không hiệu quả. Bộ Giáo dục Thái Lan đã đưa ra hình thức đào tạo, bồi dưỡng được tiến hành ngay tại các cơ sở GD. Đó là hoạt động đào tạo dựa vào nhà trường. Theo hình thức đào tạo này, chương trình đào tạo gồm bốn dự án đã được tiến hành: Dự án giáo viên quốc gia, Dự án giáo viên chủ chốt, Dự án nghiên cứu và triển khai các hình mẫu đào tạo dựa vào nhà trường, và Dự án hỗ trợ đào tạo dựa vào nhà trường. Dự án giáo viên chủ chốt được thực hiện nhằm chọn lựa được những giáo viên có thể áp dụng thành công quan điểm lấy người học làm trung tâm và tiến hành đào tạo lại với những giáo viên khác. Dự án giáo viên quốc gia nhằm chọn lựa được những giáo viên có thể nghiên cứu và triển khai quá trình đổi mới dạy học đồng thời cũng thực hiện hoạt động đào tạo đối với giáo viên. Hai dự án này đã giúp cho các giáo viên ở trường thay đổi được cách dạy của mình, từ phương pháp áp đặt sang phương pháp tích cực. Dự án nghiên cứu và triển khai các mẫu đào tạo dựa vào nhà trường được thực hiện nhằm phát triển các mô hình đào tạo dựa vào nhà trường và giúp cho giáo viên có thể áp dụng được phương pháp lấy HS làm trung tâm. Dự án này đã giúp đào tạo được rất nhiều giáo viên có thể thực hiện các hoạt động đổi mới GD một cách hiệu quả: giúp HS hứng thú với hoạt động học và tích cực, sáng tạo trong khi học. Dự án hỗ trợ đào tạo dựa vào nhà trường thuộc chính sách và kế hoạch chiến lược cho việc phát triển GV đương nhiệm và thúc đẩy quá trình cải cách dạy học. Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy các mô hình đào tạo mới này rất có hiệu quả với giáo viên nói riêng và với ngành sư phạm nói chung.

Việc bồi dưỡng, đào tạo giáo viên dựa vào nhà trường được thực hiện dựa trên 10 nguyên tắc sau:

1. Việc đào tạo là quá trình phát triển dựa trên tình hình thực tế và những nhu cầu thực sự của nhà trường và GV. Mục tiêu cuối cùng của việc đào tạo là nâng cao năng lực của giáo viên trong việc tổ chức dạy học và khơi dậy tiềm năng ở HS.

2. Việc đào tạo được tiến hành tại nhà trường, dựa vào nhà trường, và đôi khi ở cả cộng đồng, nhà trường phải có trách nhiệm với việc đào tạo đó.

3. Các giáo viên được lựa chọn được coi là các giáo viên đầu đàn, họ đào tạo lại, nâng cao năng lực cho các giáo viên khác. Các giáo viên đầu đàn hiểu rất rõ các yêu cầu của công cuộc đổi mới DH.

4. Việc đào tạo phải dựa trên cơ sở tự nguyện.

5. Cả giáo viên đào tạo và giáo viên được đào tạo đều phải nỗ lực trong việc nhận thức, lập kế hoạch trong quá trình tiến hành đào tạo.

6. Việc đào tạo phải gắn liền với thực tiễn, được áp dụng vào ngay những tình huống cụ thể trong lớp học.

7. Việc đào tạo phải liên tục và nhắc đi nhắc lại, thường xuyên tổ chức các cuộc họp để giải quyết các vấn đề phát sinh.

8. Quá trình đào tạo được tiến hành theo quy trình đã thiết kế.

9. Quá trình đào tạo bao gồm cả giám sát, kiểm tra, đánh giá. Việc đánh giá phải được tiến hành trước, trong khi và sau khi đào tạo.

10. Đào tạo là một phần trong công việc của những người đào tạo và được đào tạo với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng và chuẩn nghề sư phạm cũng như nâng cao năng lực của HS.

Thái Lan rất chú trọng việc bồi dưỡng đào tạo giáo viên để chuẩn hóa, nâng chuẩn đối với giáo viên. Nhờ vậy giáo dục Thái Lan trong những năm gần đây đã có những bước chuyển mình đáng kể và được coi là một nền giáo dục khắt khe và có chất lượng cao.

BỒI DƯỠNG, PHÁT TRIỂN CHUYÊN MÔN CHO GIÁO VÊN Ở HÀ LAN: ĐẨY MẠNH CÁCH TIẾP CẬN GIÁO DỤC DỰA VÀO BỐI CẢNH

Hoạt động đổi mới chương trình giáo dục của các nước ở châu Âu nói chung và của Hà Lan nói riêng hiện nay gắn liền với cách tiếp cận giáo dục dựa vào bối cảnh (GDDVBC). Đây là một cách tiếp cận được vận dụng trong các chương trình môn học ở nhiều nước và dẫn đến việc đòi hỏi người giáo viên cần được đào tạo, bồi dưỡng để có thể làm chủ và thực hiện hiệu quả các giờ học theo cách tiếp cận mới này. GDDVBC được hiểu là việc sử dụng bối cảnh để thực hiện các hoạt động GD, DH, nhằm giúp đạt được các mục tiêu về kiến thức khoa học, kỹ năng, thái độ đề ra cho HS, qua đó hình thành, phát triển ở HS những năng lực cần thiết và hoàn thiện nhân cách. GDDVBC chú trọng sự kết nối việc học với thế giới thực. HS thực hiện sự kết nối ấy bằng những vai trò khác nhau, ví dụ như là công dân, thành viên gia đình…, chứ không phải đơn giản chỉ là người học, do đó trọng tâm của việc học tập sẽ khác. GDDVBC được nhiều nhà khoa học giáo dục cho rằng có thể giải quyết các vấn đề của GD hiện nay. Đó là các vấn đề:

- Kiến thức quá tải. Hậu quả của việc tích lũy và tích tụ nhiều kiến thức trong giáo dục đã dẫn đến việc chương trình trở nên quá tải nội dung. Điều đó thể hiện ở việc nhiều chương trình dạy học thường chỉ là sự tập hợp nhiều kiến thức riêng rẽ, tách rời khỏi nguồn gốc khoa học ban đầu của nó và trở nên trừu tượng với người học.

- Kiến thức riêng rẽ, tách rời. Những chương trình tập trung vào nội dung kiến thức thường không giúp học sinh biết được mối quan hệ bên trong và bên ngoài của các khái niệm, kiến thức. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho rằng việc đạt được một khối lượng lớn kiến thức riêng rẽ khó có thể giúp hình thành tư duy lý tính cao cấp ở HS. HS không thể tự đi đến được ý nghĩa của bài học. Điều này hạn chế sự tham gia tích cực của HS trong giờ học và làm cho các em quên bài nhanh chóng sau khi học xong.

- Kiến thức thiếu sự liên hệ, vận dụng. Với những chương trình tập trung vào nội dung kiến thức, HS chỉ có thể giải quyết được những vấn đề được giao theo những cách y như những gì các em đã được dạy. Các em thất bại đáng kể trong việc giải quyết những vấn đề đòi hỏi sử dụng kiến thức đã được học một cách linh hoạt, uyển chuyển. Hầu như HS khó có thể liên hệ, vận dụng các kiến thức đã học cho cuộc sống lâu dài sau này của mình.

- Kiến thức thiếu sự gần gũi, liên quan. Nhiều HS không thích học đơn giản chỉ bởi các em thấy bài học không gần gũi với cuộc sống hằng ngày của mình. Các em có cảm giác đang học một cái gì đó hàn lâm, xa vời, khó có thể liên hệ vận dụng vào những vấn đề gặp phải hằng ngày. Điều này khiến HS thấy chán học và học không tập trung.

- Kiến thức có trọng tâm không hợp lý. Các bài học hiện nay thường coi trọng những phần kiến thức "cứng" (buộc HS phải ghi nhớ), những câu trả lời - lời giải thích đúng, và các bước thực hiện theo đúng quy định. Điều này căn bản không hợp lý cho hoạt động học vì về bản chất hoạt động học là nhằm mục đích phát triển tư duy hơn là rèn luyện trí nhớ máy móc cho HS. Nó cũng làm cho HS về sau ngần ngại theo đuổi nghề nghiệp gắn với những môn học mà có thể các em có khả năng. Lý do là bởi các em chưa thấy được sự thú vị, hấp dẫn, và ý nghĩa mà bài học mang lại cho mình.

Để giúp giáo viên có thể làm chủ và thực hiện hiệu quả các giờ học được thiết kế đổi mới nằm trong chương trình môn học có cách tiếp cận giáo dục dựa vào bối cảnh, một khung phát triển chuyên môn được thiết kế phục vụ cho hoạt động bồi dưỡng giáo viên ở Hà Lan với các bước như sau:

Pha 1 - Pha chuẩn bị. giáo viên chuẩn bị các bài học theo GDDVBC để chia sẻ những kiến thức ban đầu và đạt được những kiến thức mới.

Pha 2 - Pha DH. Giáo viên thực hiện các bài học được thiết kế theo GDDVBC ở trường của mình nhằm vận dụng và mở rộng những kiến thức đã đạt được ở pha 1.

Pha 3 - Pha phản ánh. Giáo viên phản ánh lại các hoạt động DH và tác dụng của chúng lên HS, để mở rộng và chia sẻ những kiến thức đã đạt được ở pha 2.

 

Pha

Chức năng

Bắt đầu

  • Kết nối các quan điểm của giáo viên về GDDVBC.
  • Làm bộc lộ những kiến thức ban đầu rất hữu ích của GV liên quan đến nội dung môn học.

Chuẩn bị

  • Để giáo viên nhận ra sự giống và khác trong quan điểm của mình về GDDVBC và các bài học theo GDDVBC.
  • Để giáo viên tìm kiếm các chiến lược DH các bài theo GDDVBC, đưa ra ví dụ, và trình bày các điều kiện để sử dụng.
  • Cung cấp cơ hội cho giáo viên xác định mục tiêu DH của mình.

Dạy học

  • Cung cấp cơ hội cho giáo viên để vận dụng kiến thức liên quan đến môn học vào thực tế DH.

Phản ánh

  • Đưa cho GV cơ hội để phản ánh lại các trải nghiệm DH của mình.
  • Kiểm tra sự phát triển của giáo viên bằng cách tạo ra cơ hội cho giáo viên sản xuất sản phẩm mới.

 

Các pha này được thực hiện theo vòng xoáy chôn ốc mà ở đó có chứa các pha nhỏ hơn, tạo ra một chương trình bồi dưỡng, phát triển chuyên môn có sự đan kết các hoạt động. Trong quá trình bồi dưỡng, phát triển chuyên môn cho giáo viên, người tập huấn đóng nhiều vai trò khác nhau, vừa là người giới thiệu, người đồng tổ chức, thiết kế, vừa là người dẫn dắt, giám sát các giáo viên thực hiện. Các GV đóng vai trò là người được tập huấn nhưng cũng là người đồng thiết kế, người thực hiện, người quan sát, theo dõi, người phản ánh. Sự hợp tác chặt chẽ giữa người tập huấn, bồi dưỡng và các giáo viên tạo nên một cộng đồng học tập thu nhỏ, ở đó giáo viên có thể học được không chỉ từ người tập huấn, bồi dưỡng mà còn từ chính các đồng nghiệp của mình. Mô hình bồi dưỡng, phát triển chuyên môn như trên đã cho thấy có sự hiệu quả trong việc giúp các giáo viên khoa học ở Hà Lan thực hiện thành công các giờ học GDDVBC.

HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN Ở MĨ: GẮN VỚI LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỤ THỂ

Các hoạt động đổi mới giáo dục ở Mĩ đã thiết lập nên những mục tiêu mới tham vọng hơn thông qua hoạt động dạy học. Các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo nhà trường, chuyên gia giáo dục ở Mĩ đã ngày càng nhận thấy ảnh hưởng to lớn của giáo viên như một yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động học tập ở HS. Do đó, họ quan tâm đến việc nâng cao và phát triển chuyên môn cho giáo viên. Nhiều chính sách, dự án đã được phát triển để đáp ứng các yêu cầu về bồi dưỡng, phát triển chuyên môn ở giáo viên, qua đó có thể giúp giáo viên nâng cao kiến thức cũng như năng lực thực hành sư phạm. Ví dụ như dự án "Không để đứa trẻ nào bị bỏ lại" thực hiện vào năm 2001 đòi hỏi các bang phải đảm bảo việc phát triển chuyên môn trình độ cao cho tất cả các giáo viên. Tương tự, "Dạy học và nguy cơ: Lời kêu gọi hành động" (năm 2004) đã lưu ý các nhà giáo dục rằng dạy học là một công việc giá trị nhất của quốc gia và khẩn thiết kêu gọi việc giúp đỡ các giáo viên thực hiện hiệu quả công việc của mình và giúp những đứa trẻ học tập chính là sự đầu tư vào tiềm năng con người, là một trong những yếu tố thiết yếu đảm bảo sự tự do và thịnh vượng của Mĩ trong tương lai.

Dựa trên việc phân tích thực trạng còn có những bất cập của hoạt động học tập và phát triển chuyên môn của giáo viên, các nhà nghiên cứu GD ở Mĩ đã thiết kế một lộ trình nhằm có thể phát triển chuyên môn cho giáo viên một cách hiệu quả. Trong lộ trình ấy, các yếu tố sau được coi là những yếu tố then chốt đối với hoạt động phát triển chuyên môn cho giáo viên:

- Chương trình phát triển chuyên môn.

- Giáo viên với tư cách là người học.

- Người bồi dưỡng, người trợ giúp giáo viên - là những người giúp giáo viên kiến tạo nên những tri thức mới và hình thành những năng lực thực hành sư phạm mới.

- Bối cảnh mà các hoạt động phát triển chuyên môn diễn ra.

Các giai đoạn trong lộ trình được xác định cụ thể như sau:

Giai đoạn 1: Xác minh sự tồn tại của những hoạt động phát triển chuyên môn có hiệu quả. Giai đoạn này tập trung vào những chương trình phát triển giáo viên riêng lẻ. Ở giai đoạn này, nghiên cứu cung cấp những bằng chứng cho thấy các chương trình phát triển chuyên môn chất lượng cao có thể giúp giáo viên đào sâu tri thức và chuyển hóa các hoạt động DH một cách hiệu quả. Các nhà thiết kế chương trình cũng đồng thời là những nhà nghiên cứu khoa học. Các giáo viên được khuyến khích tham gia tự nguyện và nhiệt tình, mang sẵn trong mình những động cơ tích cực, là những người sẵn sàng thực hiện những sự thử nghiệm, đổi mới trong dạy và học. Nghiên cứu ở giai đoạn này đã cho ra các kết quả sau:

+ Trọng tâm về phía cá thể giáo viên: Kiến thức và khả năng thực hành sư phạm của giáo viên có thể thay đổi thông qua các chương trình phát triển giáo viên chuyên sâu.

+ Trọng tâm về phía nhóm: Cộng đồng chuyên môn mạnh có thể thúc đẩy hoạt động học tập ở giáo viên.

+ Trọng tâm về phía giáo viên lẫn nhóm giáo viên: Các tư liệu lưu giữ về hoạt động thực hành sư phạm của giáo viên là những bối cảnh có giá trị lớn đối với hoạt động học của giáo viên.

Giai đoạn 2: Các chương trình phát triển chuyên môn được chi tiết hóa. Ở giai đoạn này, các nhà nghiên cứu giáo dục tập trung vào việc phát triển và thực hiện các chương trình cụ thể để giúp phát triển chuyên môn cho giáo viên. Cụ thể bao gồm:

+ Phát triển chuyên môn dựa trên chương trình môn học.

+ Phát triển chuyên môn thông qua hoạt động giáo viên dạy giáo viên.

Giai đoạn 3: Các chương trình phát triển chuyên môn giáo viên đa tác dụng. Mục tiêu chính của giai đoạn này đó là nhằm cung cấp những thông tin có thể so sánh về quá trình thực hiện, kết quả và những yêu cầu đối với nguồn học liệu cần thiết đối với những chương trình phát triển chuyên môn được xác lập rõ ràng.

Các bằng chứng nghiên cứu đã củng cố những nhận định cho rằng việc đầu tư vào các hoạt động phát triển giáo viên có tính chiến lược, chuyên sâu, kết nối với thực tế nhà trường và sáng kiến giáo dục, giúp giáo viên phát triển về kiến thức chuyên môn, tạo nên mối quan hệ công việc tốt giữa các giáo viên, qua đó, đạt được những thay đổi tích cực trong thành tích học tập của HS. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố then chốt đối với hoạt động bồi dưỡng, phát triển giáo viên hiệu quả. Cụ thể, đó là:

- Quan điểm/tầm nhìn về hoạt động phát triển chuyên môn giáo viên: cần được thể hiện rõ ràng, khúc chiết, dễ hiểu, được thẩm thấu, lan tỏa trong các chính sách và thực tế giáo dục.

- Điều hành có hiệu quả về chất lượng của các hoạt động phát triển chuyên môn cho giáo viên.

- Các hoạt động hướng dẫn, giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng: cần được kết nối và tạo nên nền tảng cho hoạt động phát triển chuyên môn liên tục cho giáo viên.

- Cơ sở vật chất của tổ chức cần hỗ trợ cho hoạt động phát triển chuyên môn.

- Sự ổn định của các nguồn quỹ được sử dụng cho các hoạt động phát triển chuyên môn.

- Hoạt động quản lý, lãnh đạo.

- Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận trong hệ thống.

- Các nhà cung cấp trung gian và bên ngoài đối với các chương trình bồi dưỡng, phát triển giáo viên.

- Sự phối kết hợp với các tổ chức phát triển chuyên môn.

- Thiết lập và điều chỉnh mô hình cộng đồng học tập chuyên môn linh hoạt và phù hợp với thực tế.

- Hướng đến cách giải quyết vấn đề mang tính xây dựng, kiến tạo.

KẾT LUẬN

Có thể nhận thấy, các quốc gia hiện nay đều coi trọng hoạt động bồi dưỡng phát triển chuyên môn cho giáo viên và gắn hoạt động này với công cuộc đổi mới giáo dục không ngừng diễn ra. Các hoạt động phát triển chuyên môn cho giáo viên được thực hiện ngày càng có tính thực tiễn cao, gắn liền với các hoạt động nhà trường đồng thời dựa trên cách tiếp cận nghiên cứu khoa học mà ở đó có các hoạt động phân tích lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trong các hoạt động bồi dưỡng, phát triển chuyên môn, giáo viên được làm việc trực tiếp và tương tác sâu với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu giáo dục và những người đào tạo giáo viên. Ở đó, vai trò của họ là những người học tích cực đồng thời là những người hợp tác, đồng thiết kế và là những người thực hiện, triển khai các ý tưởng từ chương trình vào trong thực tế lớp học. Họ được tham gia vào một cộng đồng học tập chuyên nghiệp giúp họ có thể có những biến chuyển sâu sắc trong nhận thức cũng như trong các hoạt động thực hành dạy học ở trên lớp, từ đó dần phát triển chuyên môn và năng lực nghề nghiệp của mình.

Trong công cuộc đổi mới chương trình GD phổ thông như hiện nay, Việt Nam cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, học hỏi, kế thừa kinh nghiệm về hoạt động đào tạo, phát triển giáo viên ở các nước trên thế giới bên cạnh việc tính đến những yếu tố văn hóa, xã hội riêng của đất nước để có thể xây dựng được những chương trình phát triển giáo viên phù hợp, qua đó, giúp đào tạo ra những thế hệ giáo viên có năng lực, có chất lượng để có thể thực hiện hiệu quả công tác giáo dục, dạy học tại nhà trường phổ thông theo định hướng đổi mới đã đề ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo của Viện Giáo dục Quốc gia Singapore, 2009.

2. Beck, C., & Kosnik, C. (2006). Innovations in teacher education - A social constructivist approach. New York: State University of New York Press.

3. Borko, H. (2004). Profesional Development and teacher learning: mapping the terrain, Educational Researcher, Vol.33, No.8, p.3-15.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017). Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể.

5. Dolfing, R. (2013). Teachers’ professional development in context-based chemistry education - Strategies to support teachers in developing domain-specific expertise. Doctoral disstertation. Utrecht University.

6. Đặng Tự Ân (2015). Mô hình trường học mới Việt Nam - Nhìn từ góc độ thực tiễn và lý luận. NXB Giáo dục Việt Nam.

7. J. K. (2006). On the Nature of "Context" in Chemical Education, International Journal of Science Education, 28(9), 957-976.

8. Mạc Thị Việt Hà (2008). Tuyển dụng và bồi dưỡng giáo viên tại các trường phổ thông ở Thái Lan, Tạp chí Khoa học và Giáo dục.

9. Hazri Jamil, Nordin Abd. Razak, Reena Raju & Abdul Rashid Mohamed (2014). Teacher Professional Development in Malaysia: Issues and Challenges (Universiti Sains Malaysia, Malaysia) Retrieved from: https://www.researchgate.net/publication/260317928_Teacher_Professional_Development_in_Malaysia_Issues_and_Challenges

TS. Ngô Vũ Thu Hằng