Muốn nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL thì công tác bồi dưỡng đội ngũ là một trong những yếu tố quan trọng, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới.
Bồi dưỡng thường xuyên
Theo PGS.TS. Đỗ Thị Thúy Hằng (Học viện Quản lý Giáo dục), CBQLGD giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển toàn diện GD, giúp cho hoạt động của nhà trường đi vào kỷ cương, nền nếp và ổn định, góp phần vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và CBQLGD có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của công cuộc đổi mới GD-ĐT.
Đề cao vai trò của hoạt động bồi dưỡng CBQLGD trong quá trình đổi mới GD, ThS. Trần Thị Thơm (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, CBQL trường THPT là đội ngũ có vai trò quan trọng quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhà trường. Vì vậy, để đội ngũ CBQL trường THPT thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, cần thường xuyên tổ chức các hoạt động bồi dưỡng để họ không ngừng phát triển bản thân. Hoạt động bồi dưỡng giúp họ vững vàng hơn trong chuyên môn, nghiệp vụ của chính mình.
Theo ThS. Trần Thị Thơm, trường học có một hiệu trưởng và nhiều GV. Hiệu trưởng là người lãnh đạo, GV là người quản lý lớp học riêng của họ. CBQL nhà trường phải không ngừng học tập và bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, từ đó có phương pháp, cách thức quản lý cơ sở mình một cách tốt nhất, đạt hiệu quả cao nhất.
"Có nhiều hình thức bồi dưỡng cho đội ngũ CBQL nhưng nên chú trọng 2 hình thức song song là lớp tập trung và các lớp học trực tuyến. Việc tổ chức các lớp học trực tuyến sẽ giúp người dạy tận dụng được thành tựu khoa học hiện đại, vừa giải quyết được những khó khăn cho người học về thời gian, đi lại, giải quyết công việc", ThS. Trần Thị Thơm chia sẻ.
Tiện ích hóa bằng công nghệ thông tin
Trong thời gian qua, hoạt động bồi dưỡng CBQL trường THPT đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho CBQL. Các cơ sở GD-ĐT cũng thường xuyên có sự thay đổi, cập nhật nội dung, chương trình bồi dưỡng, phương pháp giảng dạy cũng có sự linh hoạt và đa dạng hơn.
Trong mỗi khóa bồi dưỡng, học viên được tham gia các chuyến đi thực tế xuống cơ sở để tìm hiểu tình hình tại các địa phương. Kết thúc khóa học, hầu hết các học viên đều đánh giá cao các chuyên đề bồi dưỡng cũng như chất lượng giảng dạy của giảng viên. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế như về nội dung chương trình còn chậm, phương pháp bồi dưỡng, kiểm tra đánh giá còn hình thức.
Theo ThS. Trần Thị Thơm, để đổi mới hoạt động bồi dưỡng CBQL cần đặc biệt chú trọng về nội dung, hình thức, phương pháp, kiểm tra - đánh giá; đặc biệt là việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tiện ích hóa, nâng cao hiệu quả bồi dưỡng cũng như huy động các nguồn lực phục vụ bồi dưỡng. Nhờ có công nghệ thông tin và truyền thông, đội ngũ CBQL trường THPT có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực và học tập suốt đời.
Các biện pháp
Chia sẻ về các biện pháp đổi mới hoạt động bồi dưỡng CBQL trường phổ thông, PGS.TS. Đỗ Thị Thúy Hằng cho rằng: Trước hết, cần xây dựng và hoàn thiện chương trình bồi dưỡng CBQL theo hướng tiếp cận Chương trình GDPT tổng thể nhằm định hướng năng lực cho đội ngũ CBQL các trường phổ thông. CBQL phải bao quát được các hoạt động cần phải thực hiện trong nhà trường như thế nào, chuẩn bị yêu cầu về nguồn nhân lực, vật lực và điều kiện thực hiện hiệu quả.
Thứ hai, bồi dưỡng CBQL về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường phổ thông có điều kiện thuận lợi về các yếu tố chính trị, kinh tế và văn hóa để chủ động trong việc thực hiện các hoạt động dạy học và giáo dục của trường.
Thứ ba, đưa nội dung bồi dưỡng liên quan đến cam kết về chất lượng GD của trường tương ứng với các điều kiện hiện có và được định kỳ đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn, tiêu chí và chỉ số đánh giá đã ban hành, giúp cho các trường biết được điểm mạnh cần phát huy, điều kiện tồn tại cần có hướng khắc phục đảm bảo chất lượng quy chuẩn.
Thứ tư, thực hiện các chuyên đề liên quan đến tăng cường và phát huy nguồn lực để sử dụng hiệu quả các yêu cầu về cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động phù hợp với điều kiện hiện có của trường phổ thông.
Thứ năm, định hướng nội dung quan tâm đến hội nhập quốc tế trong các trường phổ thông có điều kiện thuận lợi bằng các hoạt động xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng GD toàn diện của HS tiếp cận với khu vực và dần theo kịp các nước phát triển.
Theo Lê Đăng (GD&TĐ)