Bồi dưỡng kết hợp cho giáo viên cốt cán
Giáo viên cốt cán được cấp tài khoản để học trực tuyến và có 5 ngày để tự nghiên cứu bài học, tài liệu trên mạng với một hệ thống bài giảng video đã được biên tập kỹ lưỡng. Sau đó tập trung 3 ngày với hình thức chủ yếu là thành lập nhóm, thực hành tạo ra các sản phẩm theo yêu cầu, như xây dựng kế hoạch bài học, cách đánh giá theo năng lực học sinh. Cô giáo Trần Thị Như, Trường THCS Khánh Hòa, Cam Ranh cho biết, mình và đồng nghiệp rất hài lòng với phương thức tập huấn lần này
"Lần tập huấn này rất khác biệt so với các đợt trước đây. Đó là học thật và làm thật, mới mẻ và khác biệt . Chúng tôi phải tự học tự tìm hiểu để trả lời 2 nội dung theo yêu cầu trực tuyến, sau đó chúng tôi sẽ có 3 ngày được làm việc trực tiếp với giáo viên để có hướng dẫn cụ thể. Chúng tôi được cảm thấy được nâng cao năng lực và đặc biệt đòi hỏi giáo viên phải biết sử dụng công nghệ thông tin thành thạo để hoàn thành được khóa học. Tôi cảm thấy tự tin, có thể chia sẻ được những điều mình đã học tập được cho đồng nghiệp" - cô Như chia sẻ.
Cô giáo Trần Thị Phương Anh, giáo viên Trường THPT Bạch Thông tỉnh Bắc Kạn cho biết: Sau khóa bồi dưỡng giáo viên cốt cán có đủ khả năng triển khai hỗ trợ các giáo viên khác tại địa phương, giúp các thầy cô giáo bước vào giảng dạy Chương trình GDPT mới một cách chủ động: "Bản thân tôi khi tìm hiểu chương trình GDPT 2018, đặc biệt là chương trình môn Ngữ văn, với các điểm mới của chương trình so với chương trình 2006 chúng tôi thấy rằng điểm mới đó được thể hiện rõ nét ở những nội dung như mục tiêu chuyển từ biết sang làm, tính phân hóa, tính tích hợp, tính liên thông và tính mở. Qua mục tiêu đó đòi hỏi giáo viên phải thay đổi về phương pháp để có thể khơi nguồn cảm hứng cho học sinh được tốt nhất.
Kết thúc khóa tập huấn bổ sung, giáo viên sẽ có 7 ngày tự tìm hiểu sâu các nội dung, phương pháp giáo dục mới và làm bài tập để đánh giá. Cô giáo Đinh Thị Mai Hương, người dân tộc Chứt, Trường Tiểu học Hòa Hợp, huyện Ninh Hóa, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: "Trong đợt tập huấn này tôi được trải qua các phương pháp của các giảng viên như thảo luận nhóm, chia sẻ… Qua đó tôi cảm thấy học tập rất thoải mái, mình chủ động tích cực tìm hiểu qua các tài liệu văn bản tiếp thu được tất cả các điểm mới truyền đạt một cách chủ động. Bản thân tôi thấy rất hài lòng".
Nhiều điểm mới
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền, Bộ GDĐT đã sử dụng hình thức bồi dưỡng kết hợp để các thầy cô tự học qua mạng từ trước, sau đó mới đến giai đoạn trực tiếp. Đội ngũ được bồi dưỡng qua hình thức bồi dưỡng trực tiếp và qua mạng này được lựa chọn từ các địa phương giới thiệu lên và được lựa chọn từ giáo viên cốt cán. Cách tiếp cận là từ hình thức đó khi bồi dưỡng đại trà, các giáo viên cốt cán sẽ hỗ trợ các giáo viên khác tự học qua hình thức qua mạng. mô hình học bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ.
PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền
Điểm mới thứ hai là việc huy động các trường sư phạm chủ động tham gia vào quá trình bồi dưỡng trực tiếp là đơn vị được Bộ GDĐT giao việc về công tác tổ chức phù hợp với giáo viên để phù hợp với giáo viên cốt cán. Về sau này sẽ bồi dưỡng cho giáo viên đại trà ở địa phương.
Theo TS. Lê Thu Hương - Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH sư phạm Thái Nguyên, giảng viên bồi dưỡng giáo viên cốt cán các tỉnh phía Bắc, việc tổ chức bồi dưỡng giáo viên là công việc quan trọng khi triển khai chương trình GDPT mới: "Đây là một khóa bồi dưỡng nằm trong khuôn khổ chương trình ETEP với mục đích là nâng cao năng lực cho giáo viên các cấp từ tiểu học đến THCS, THPT để có thể đáp ứng tốt nhất những đổi mới của chương trình GDPT 2018. Học viên có được những điểm mới nhất của chương trình 2018 so với chượng trình môn học đó hiện hành. Đồng thời học viên cũng được trải qua việc phân tích các giáo án mịnh họa để từ đó vận dụng để thực hành xây dựng những giáo án mới theo hướng tiếp cận năng lực của học sinh. Thời gian tới các trường ĐH Sư phạm tham gia đào tạo ETEP tiếp tục phối hợp với các Sở GDĐT bồi dưỡng 8 mô đun còn lại cho các giáo viên cốt cán đồng thời tiến hành bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đại trà theo phương thức cốt cán theo phương thức giáo viên tự học ở nhà trường, ở nhà, theo công việc. Từ đó trở thành cộng đồng phát triển giáo viên phổ thông và hỗ trợ giáo viên phổ thông thường xuyên và liên tục. Việc bồi dưỡng giáo viên cốt cán là bước đi quan trọng trong bối cảnh Chương trình GDPT mới sẽ thực hiện từ năm học 2020 - 2021.
Thu Hương