Sau khi được giảng viên trường đại học sư phạm (còn gọi là giảng viên chủ chốt) tập huấn trực tiếp kết hợp trực tuyến theo các module, mỗi giáo viên cốt cán sẽ phụ trách một cụm gồm các giáo viên đại trà trên địa bàn tỉnh, thành phố. Những giáo viên đại trà cũng được tập trung 1-2 buổi trực tiếp, còn lại sẽ trao đổi qua các nhóm Zalo hoặc trực tiếp trên điện thoại.

Bình đẳng tiếp cận tài liệu

TS. Trần Văn Hưng - Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), giảng viên chủ chốt - cho biết nhiều giáo viên cốt cán cảm thấy đợt tập huấn có ý nghĩa hơn. Trước đây, họ nghĩ tập huấn là có ít ngày đi chơi. Nhưng không phải ai cũng thích chơi, nhiều giáo viên muốn làm, muốn đợt tập huấn mang lại điều có ích thực sự. Cách tập huấn như bây giờ khiến giáo viên thay đổi suy nghĩ, không còn là "đi chơi" nữa mà ai cũng phải làm việc.

Cô Lưu Thị Yến, giáo viên cốt cán môn ngữ văn THCS của TP Thanh Hóa, cho biết: "Tôi thích nhất là mọi giáo viên có cơ hội bình đẳng tiếp cận tài liệu. Có nghĩa giáo viên cốt cán hay giáo viên đại trà đều được tiếp cận tài liệu gốc để nghiên cứu, học tập và có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi, không lo "tam sao thất bản". 

Trước đây do năng lực của giáo viên cốt cán khác nhau nên khi tập huấn lại cho giáo viên đại trà đã truyền đạt không đầy đủ, chính xác. Còn hiện tại, dù vai trò của giáo viên cốt cán vẫn quan trọng, đóng vai trò hướng dẫn, giải thích, nhưng giáo viên đại trà được tiếp cận tài liệu, được bắt tay vào thực hành luôn".

Chia sẻ về cách tập huấn mới, nhiều giáo viên cho biết khi tham gia các nhóm Zalo, group trên mạng chia sẻ, trao đổi, hướng dẫn về nghiệp vụ, họ cảm thấy bớt hoang mang, tự tin nhiều hơn khi ở trong một cộng đồng giáo viên. Về điều này, TS. Trần Văn Hưng cho biết một trong những lợi ích mang lại chính là kết nối được cộng đồng. Cụ thể là kết nối giữa giáo viên phổ thông với giảng viên đại học.

"Trước đây, sự kết nối này khá mờ nhạt, chủ yếu chỉ là kết nối để bố trí các đợt thực tập sư phạm của sinh viên. Còn như hiện nay, cộng đồng giảng viên - giáo viên đang tạo ra các nhóm chia sẻ kinh nghiệm dạy học, thiết kế bài dạy. Nếu như cái mạnh của giảng viên là nghiên cứu, là lý luận thì cái mạnh của giáo viên phổ thông là thực hành, thực tiễn dạy học. Việc giáo viên phổ thông được kết nối trực tiếp với giảng viên đại học chính là sự kết nối giữa lý thuyết và thực hành" - TS. Trần Văn Hưng chia sẻ.


Việc kết hợp tập huấn giáo viên trực tuyến và trực tiếp ngay trong môi trường dạy học thực tế là hướng đi hiệu quả, khắc phục dần những điểm yếu từng bộc lộ như khi triển khai lớp 1 vừa qua. - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Tập huấn ngoài giờ

Dù là ưu điểm nhưng với cách tập huấn trên, giáo viên phải tự nghiên cứu, tìm hiểu, thực hiện yêu cầu trên nền tảng công nghệ thông tin. Điều này là khó khăn với giáo viên chưa thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin và là áp lực với nhiều giáo viên cốt cán khi phải "phụ trách" hàng chục giáo viên với rất nhiều những vướng mắc khác nhau, trong bối cảnh "vừa dạy học, vừa tập huấn".

Cô Lê Thị Thúy, giáo viên cốt cán môn ngữ văn Trường THCS Hạ Long, cho biết mình có nhiệm vụ hỗ trợ 98 giáo viên đại trà. Nhiều giáo viên còn bỡ ngỡ khi tham gia đợt bồi dưỡng trên hệ thống.

"Giáo viên chủ yếu nghiên cứu tài liệu, trao đổi, thực hiện yêu cầu tập huấn ngoài giờ, trong khi việc hỗ trợ nhiều lần phải thực hiện qua điện thoại. Có những giáo viên phải gọi ít nhất 2-3 lần. Ngược lại, nhiều giáo viên quá lo lắng đã đề nghị giải thích kỹ, gửi bài để chấm đến 2-3 lần nên công việc của giáo viên cốt cán cũng rất vất vả" - cô Lê Thị Thúy chia sẻ.

Cô Phạm Thị Hợp, giáo viên cốt cán Trường tiểu học Tình Khúc, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh, cho biết phải phụ trách hơn 60 giáo viên ở cả huyện nên rất khó khăn. Vì trao đổi trực tuyến, giáo viên không biết mình là ai nên còn chưa tin tưởng, cởi mở. "Phải kiên trì điện thoại trực tiếp nhiều lần, giải thích, thuyết phục thì họ mới chủ động chia sẻ, gửi bài theo yêu cầu. Nên từ bước khởi đầu đến khi kết nối để thực sự có một "cộng đồng học tập, chia sẻ", giáo viên cốt cán chịu rất nhiều áp lực" - cô Hợp nói.

Trao đổi về những phản ảnh khó khăn của giáo viên khi tham gia tập huấn trong điều kiện vẫn phải dạy học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các sở GD-ĐT phải chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch bố trí giáo viên tập huấn hợp lý để đảm bảo hiệu quả. Đặc biệt, lãnh đạo Bộ GD-ĐT lưu ý đến việc tập huấn tại chỗ trước và ngay trong quá trình thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 - tương tự như một số địa phương đang làm tốt khi triển khai lớp 1.

Ở một số địa phương miền núi có điều kiện không thuận lợi như Tuyên Quang, Bắc Giang..., sở GD-ĐT yêu cầu các cụm trường phải tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm, duy trì 2-3 lần/tháng. Nhiều nhà trường trong học kỳ 1 năm học 2020 - 2021 đã tổ chức hội ý, trao đổi nghiệp vụ ngay sau buổi dạy đối với giáo viên dạy lớp 1 để rút kinh nghiệm.

Khuyến khích tự học

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), mỗi giáo viên được cấp một tài khoản để truy cập vào nguồn tài liệu tập huấn và các video minh họa để tự nghiên cứu với sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán và giảng viên chủ chốt. Giáo viên sẽ thực hiện các nhiệm vụ (bài tập) và bắt buộc phải hoàn thành mới được công nhận xong bồi dưỡng.

Theo Vĩnh Hà (tuoitre)