Nhiều người nghĩ không ai hơn mình, mình sinh ra để dạy học. Do đó, chúng ta cần thay đổi nhận thức của GV, họ không chỉ đơn thuần là dạy chữ mà còn dạy người. Nói rộng hơn, họ phải là "2 trong 1": Vừa là giáo viên, vừa là nhà GD.
Người truyền cảm hứng
TS. Nguyễn Văn Hòa cho rằng, lâu nay chúng ta dạy HS ngoan, chấp hành kỷ luật tốt nên GV không chấp nhận những HS hư. GV cảm thấy bức xúc khi học sinh không đi vào khuôn phép, kỉ luật. Bạo lực cũng xuất phát từ nguyên nhân này, lý do đơn giản là GV muốn HS vào khuôn khổ. Như vậy, vấn đề đặt ra là GV cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. GV cần hiểu và chấp nhận sự khác biệt và biết cảm hóa HS của mình. Bởi thực tế, HS đã biết phản biện và các em có khả năng sáng tạo.
Tư tưởng và mục tiêu GD là học sinh phải ngoan, biết vâng lời. Một trăm, một nghìn học bạ thì tới 90% được ghi là ngoan, vâng lời, chấp hành kỷ luật tốt. Điều này đã không còn phù hợp với đổi mới GD, nhất là đang thực hiện GD lấy HS là trung tâm.
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Hòa, GV chủ yếu là cung cấp kiến thức cho HS nên đã tạo ra những áp lực không đáng có, mà chủ yếu đến từ vấn đề điểm số. Cha mẹ vẫn kỳ vọng vào con cái, lúc nào cũng muốn con đạt điểm 9 - 10 điểm. Nhà trường cũng áp lực lên GV, rồi GV áp lực lên học sinh và chính bản thân các GV cũng tự tạo lực cho mình… Cho nên chúng ta cần thay đổi cách dạy từ cung cấp kiến thức sang hình thành nhân cách, phát triển năng lực của người học.
Theo TS. Nguyễn Văn Hòa, công tác đào tạo, tập huấn chưa đúng cách. Chúng ta nặng về quán triệt các quy định, văn bản và áp đặt các quy định đó. Không nên quá nặng nề về vấn đề này, quan trọng là tạo môi trường, điều kiện để GV sáng tạo. Thầy, cô giáo phải là người truyền cảm hứng và phải là nhà GD. Đấy mới là người thầy giáo trong xu hướng hiện nay.
Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, TS. Nguyễn Văn Hòa đề xuất, chúng ta cần hỗ trợ GV thay đổi, làm mới lại mình, để họ không cảm thấy bị áp lực. GV phải tự mình cảm thấy hạnh phúc. "Ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi thay đổi GV từ dạy giá trị sống và kỹ năng sống" - TS. Nguyễn Văn Hòa trao đổi, đồng thời nhấn mạnh: Mục tiêu của GD là dạy người, không chạy theo thành tích. GV cần thoát khỏi lối dạy chủ yếu cung cấp kiến thức một chiều, cùng với đó, là thay đổi cách đánh giá ở các nhà trường.
TS. Nguyễn Văn Hòa
Hiệu trưởng phải hơn GV một cái đầu
Để thực hiện được điều này, TS. Nguyễn Văn Hòa đề nghị, trước hết Bộ GD&ĐT phải bồi dưỡng, đào tạo hiệu trưởng vì họ sẽ là người giúp cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Giám đốc Sở GD&ĐT làm chuyển biến GV của mình. Hiệu trưởng phải hơn GV một cái đầu và phải là thầy hiệu trưởng thực sự chứ không phải là anh chị hiệu trưởng. Mà đã là thầy hiệu trưởng thì phải chuyển biến được GV của mình. Có như vậy bài toán về GV sẽ được tháo gỡ. Bởi thực tế, nếu như chúng ta đào tạo lại hơn 8 vạn GV thì khó nhưng đào tạo, bồi dưỡng hiệu trưởng thì hoàn toàn có thể làm được.
TS. Nguyễn Văn Hòa cũng đề nghị, Bộ cần triển khai ngay tư tưởng và tầm nhìn của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, trong đó có GD hình thành nhân cách người học. Đây là mục tiêu dạy người, vì thế phải quán triệt sâu sắc đến từng GV.
Về vấn đề thi THPT quốc gia, TS. Nguyễn Văn Hòa cho rằng, quan trọng nhất là đề thi. Năm nay đề minh họa rất tuyệt vời và được dư luận khen ngợi, hoan nghênh. Mong rằng, đề thi thật cũng theo định hướng này. Chúng ta không nên tự làm khó cho mình. Bởi tâm lý chung là ai cũng muốn con em mình được điểm cao. Vì thế nếu đề thi quá khó, thí sinh điểm thấp, nhiều người không hiểu lại bảo chất lượng GD của mình kém nên thí sinh được điểm thấp; trong khi đó, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể phân bua với dư luận.
Đối với các trường sư phạm, TS. Nguyễn Văn Hòa cho rằng, phải xác định lại mục tiêu như Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT. Mục tiêu GD phổ thông là hình thành nhân cách, năng lực. Các trường sư phạm đang đào tạo ra những người giải bài trong sách giáo khoa và truyền thụ kiến thức. Nếu chỉ dạy trong sách giáo khoa thì đơn giản quá; Vì thế, các trường sư phạm phải thay đổi mục tiêu. Theo đó, phải đào tạo những người thầy có nhân cách, đào tạo những con người để làm thầy, để truyền cảm hứng cho thế hệ sau; trong đó yếu tố truyền cảm hứng rất quan trọng.
"Nhà trường phải là nơi hỗ trợ các thầy, cô giáo tháo gỡ khó khăn, phải là chỗ dựa, niềm tin để các thầy, cô giáo yên tâm công tác. Ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, câu khẩu hiệu là xây dựng nhà trường thân thiện. Đấy là mục tiêu GD vì nhà trường phải thân thiện, phải tạo niềm tin cho cha mẹ HS và GV".
Theo Minh Phong (GD&ĐT)