Chưa bắt kịp nhu cầu
Thực tế đang cho thấy, với nhiều trường vùng khó việc đổi mới giáo dục trong đó lấy ứng dụng CNTT vào giảng dạy còn nhiều bất cập. Trước tiên nhìn vào số lượng, ví như tại Trường PTDTBT THCS Khao Mang - xã Khao Mang huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) việc đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua CNTT của hơn 20 giáo viên và gần 500 học sinh nhưng chỉ có 1 bộ máy và đầu chiếu màn hình. Như vậy, để làm tốt công tác sắp xếp, tổ chức và phân bổ cho 13 lớp học của 4 khối lớp sử dụng thiết bị công nghệ đã là khá chật vật với Ban giám hiệu nhà trường.
Cũng chung cảnh thiếu thốn đó, mà nhiều trường học vùng khó thường xuyên rơi vào tình trạng tổ bộ môn phải lên lịch trước một thời gian để được bố trí sử dụng. Mỗi giáo viên chỉ ứng dụng tối đa 3 và nhiều nhất lên đến 5 lần CNTT vào bài giảng; Giáo viên muốn đổi mới phương pháp giảng dạy với CNTT không được đáp ứng đầy đủ; thiếu thốn thiết bị cũng khiến giáo viên rơi vào tâm lý không cần thiết, hoặc chậm đổi mới.
Cũng bởi khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện triển khai ứng dụng mà nhiều nhà trường mới chỉ dừng lại ở khuyến khích, động viên giáo viên sử dụng giáo án điện tử thay vì bắt buộc như là một trong những điều kiện phải đáp ứng mặc dù trong quá trình đổi mới giáo dục.
Mặt khác, hiệu trưởng, giáo viên một số trường cũng than thở: Cản trở không nhỏ tới hoạt động ứng dụng CNTT của giáo viên cũng bởi trường học (đặc biệt trường vùng khó) còn thiếu nhiều về phòng chức năng, phòng học có thể lắp đặt máy chiếu, phòng ứng dụng CNTT một cách cố định và bảo đảm chất lượng.
Với trường vùng sâu xa, vấn đề kết nối mạng Internet cũng không dễ dàng. Điều kiện thời tiết ẩm thấp, mây mù thường xuyên khiến thiết bị máy móc nhanh hỏng hóc, xuống cấp. Việc sửa chữa thiếu kinh phí, và phức tạp bởi quá xa trung tâm. Tại tuyến xã, huyện thậm chí tuyến tỉnh, thợ sửa chữa thiết bị công nghệ chưa có trình độ tay nghề cao...
Chủ động, linh hoạt… quyết định thành công
Thẳng thắn nhìn vào những hạn chế về đội ngũ, thầy Phạm Thanh Tuyên - Hiệu trưởng Trường TH Quyết Tiến (Quản Bạ - Hà Giang) cho biết: Trường có 18 máy chiếu/334 học sinh/12 lớp/23 giáo viên. Số máy này để ứng dụng CNTT vào đổi mới phương pháp giảng dạy không thiếu. Tuy nhiên, đến nay, trong đội ngũ giáo viên của trường chỉ có 70% có thể ứng dụng tốt và còn tới 30% chưa ứng dụng được. Cho dù vì lý do trình độ năng lực hay tuổi tác và đang cố gắng hoàn thiện hơn… thì số giáo viên này vẫn khó để theo kịp đổi mới giáo dục nếu không nói tụt hậu.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa Thuận (Hà Giang) cũng chia sẻ: Nếu chỉ giảng bằng phương pháp truyền thống đọc, giảng giải thì bài giảng khá khô, học sinh tiếp thu không mấy hào hứng. Nhưng cũng với bài giảng ấy được soạn qua giáo án điện tử với nhiều hình ảnh minh họa hấp dẫn thì học sinh nhanh nhớ bài, hứng thú với tiết học hơn. Tuy nhiên, năng lực làm chủ và ứng dụng CNTT vào giảng dạy của giáo viên là vấn đề mang yếu tố quyết định…
Để giáo viên sử dụng được thành thạo CNTT, áp dụng tốt cho soạn thảo giáo án điện tử thì các nhà trường cũng phải chú trọng đến việc mời được chuyên gia trong lĩnh vực này về tập huấn, giảng dạy, sau đó giáo viên cùng giúp đỡ, trao đổi với nhau diễn tập cọ xát.
Ứng dụng CNTT vào giảng dạy dù là phương pháp dạy học tiên tiến và đổi mới nhưng điều đó không phải đã đạt hiệu quả tối đa trong bất kỳ trường hợp nào. Vì vậy, tránh lạm dụng trong mọi tình huống, cũng như kết hợp nhuần nhuyễn cả phương pháp truyền thống lẫn đổi mới sẽ mang lại hiệu quả. Mặt khác, chỉ khi nào có được sự chủ động, sáng tạo, làm chủ kiến thức trước những bài giảng mới giúp giáo viên không phải chạy theo công nghệ hay khô cứng nhàm chán với các phương pháp cũ. Ứng dụng CNTT vào giáo dục phải phát huy ưu thế vượt trội chứ không thể hình thức, máy móc.
Cộng dồn những khó khăn, thách thức xung quanh việc ứng dụng CNTT vào đổi mới phương pháp giảng dạy ở những trường vùng khó càng khiến hoạt động này chậm chạp trong khi những yêu cầu về đổi mới giáo dục, về hội nhập giáo dục ngày càng bức thiết. Và kết quả cuối cùng chất lượng giáo dục chuyển biến chậm, thậm chí nhiều nơi không đáng kể, giáo viên và HS vẫn lên lớp với các phương pháp giáo dục truyền thống…
Theo Đức Trí (GD&TĐ)