Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã phỏng vấn PGS.TS. Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý GD, Học viện Quản lý GD.
* Theo PGS, hiệu trưởng các trường phổ thông có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển chuyên môn của GV?
- Hiệu trưởng tác động đến cấu trúc, văn hóa và sứ mệnh của trường. Tạo một cộng đồng học tập sôi nổi và thành công là một sự hợp tác giữa tất cả các GV, nhân viên, nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và thành công của một cộng đồng học tập ở trường. Ngoài ra, hiệu trưởng phải hiểu những cách thức mà việc học tập phát triển năng lực nghề nghiệp của GV được kết nối với việc học và phát triển của HS. Họ sẽ làm phong phú thêm môi trường nhà trường và biến nó thành nơi tạo hưng phấn, làm giàu năng lượng.
* Nhiều chuyên gia cho rằng, hiệu trưởng phải là người kiến tạo môi trường học tập và phát triển nghề cho GV, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện đổi mới GD. Quan điểm của PGS về vấn đề này như thế nào?
- Tôi đồng tình với quan điểm trên. Theo tôi, có ba vai trò chính, trong đó các hiệu trưởng giúp định hình bối cảnh cấu trúc, chính trị và văn hóa, để GV phát triển chuyên môn. Cụ thể hiệu trưởng là người truyền lửa, hỗ trợ và quản lý.
Thứ nhất: Hiệu trưởng là người "truyền lửa". Phần lớn công việc hàng ngày của họ thông qua tương tác bằng lời nói và giao tiếp giữa các cá nhân. Hiệu trưởng giúp tạo ra cái nhìn tập thể về tính hiệu quả, chuyên nghiệp của GV. Hiệu trưởng đặt kỳ vọng cao cho việc học tập và thực hành chuyên môn, giúp các GV độc lập và tự tin vào bản thân họ.
Hiệu trưởng cũng là người cung cấp nhiều cơ hội và tác động đến phát triển nghề nghiệp của GV. Bằng cách lắng nghe, hiệu trưởng trao quyền cho GV - thừa nhận kinh nghiệm, chuyên môn của họ và quyền tự chủ nghề nghiệp. Tất cả đều là điều cần thiết cho một cộng đồng học tập chuyên nghiệp lành mạnh.
Cung cấp cho GV cơ hội để thúc đẩy đối thoại có ý nghĩa đối với phát triển nghề nghiệp. Trong các cuộc đối thoại, các hiệu trưởng trao quyền tự chủ cho GV và ra quyết định chuyên môn theo cách xây dựng năng lực lãnh đạo tập thể trong trường để tăng cường việc học của GV và thực hành lớp học.
Thứ hai, hiệu trưởng là người hỗ trợ. Việc hỗ trợ cho việc học tập và phát triển nghề nghiệp của GV đóng vai trò quan trọng đối với hiệu trưởng. Các hỗ trợ thông thường là những hoạt động phát triển nghề nghiệp như: Hội nghị, du lịch, tài liệu, bồi dưỡng... Một hình thức hỗ trợ khác là, tạo ra một môi trường học tập, trong đó GV có thể thử nghiệm các ý tưởng mới và thực hành, rèn luyện khả năng sáng tạo của mình.
Thứ ba, hiệu trưởng là nhà quản lý. Một khía cạnh quan trọng của hiệu trưởng là một loạt các nhiệm vụ quản lý. Việc tạo ra và duy trì môi trường học tập thành công đòi hỏi người đứng đầu có cái nhìn toàn diện, công tâm với các hoạt động trong trường. Các hiệu trưởng thành công trong việc giải quyết các nhiệm vụ quản lý sẽ tạo ra các bệ đỡ hỗ trợ cho việc học tập.
PGS.TS. Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý GD, Học viện Quản lý GD
* Bên cạnh việc kiến tạo môi trường, rất cần có những hoạt động thiết thực để phát triển năng lực nghề nghiệp cho GV; đồng thời cần có những "thang đo" để đánh giá sự phát triển này. PGS nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi cho rằng, hiệu trưởng là nhân tố chính trong việc giúp xây dựng và phát triển năng lực GV. Điều đó bao gồm: Điều chỉnh phát triển chuyên môn với mục tiêu của trường và nhu cầu của GV; trao quyền cho GV trong việc ra quyết định; xác định nhu cầu; phát triển các quy trình lập kế hoạch; tạo ra các đối thoại về phát triển nghề nghiệp của GV; hỗ trợ nhiều cơ hội học tập khác nhau cho GV và tập trung vào việc học tập của HS.
Về việc đánh giá kết quả phát triển nghề nghiệp của GV, theo tôi đây là lĩnh vực mà hiệu trưởng có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển chuyên môn của họ. Vậy làm thế nào để hiệu trưởng có thể đánh giá phát triển nghề nghiệp của GV? Theo tôi, đầu tiên, hiệu trưởng cần thường xuyên giám sát và đánh giá GV. Hoạt động này cung cấp cơ hội cho hiệu trưởng để giúp GV đặt mục tiêu học tập và cải tiến chuyên nghiệp. Đồng thời cung cấp phản hồi về các kế hoạch cải tiến chuyên môn cá nhân. Một lần nữa, mục đích không phải là hoàn hảo; đó là sự tăng trưởng.
Tiếp đến, hiệu trưởng có thể giúp GV xác định nhu cầu của họ; sau đó cộng tác lập kế hoạch các cơ hội học tập khác để đáp ứng những nhu cầu đó. Thách thức đối với hiệu trưởng là phát triển một quy trình lập kế hoạch hợp tác phù hợp với nhu cầu của từng GV và cân bằng các lựa chọn GV cá nhân đối với các nhu cầu của HS và trường học.
Cuối cùng, các hiệu trưởng cần phát triển các quy trình để thu thập và phân tích dữ liệu về phát triển chuyên môn trong trường học của họ. Hiệu trưởng có thể cung cấp chuyên môn và tài nguyên để sử dụng dữ liệu, hỗ trợ sự lựa chọn của GV trong thiết kế, phân phối và nội dung phát triển nghề nghiệp.
Khi GV phát triển kỹ năng sư phạm, họ cần biết rằng, mình sẽ được hiệu trưởng hỗ trợ về chuyên môn, đồng thời khích lệ về tâm lý và tình cảm; nhất là khi GV gặp vấn đề hoặc gặp thất bại trong thời gian thử nghiệm cái mới.
* Xin cảm ơn PGS!
Theo Minh Phong (GD&TĐ)