Quy chế này áp dụng đối với giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giám đốc, phó giám đốc trường mầm non, trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo dự thảo Quy chế, các loại hình tổ chức bồi dưỡng thường xuyên gồm:
Thứ nhất: Tập trung. Tập trung và hướng dẫn giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tự học, thực hành, hệ thống hóa kiến thức, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn những nội dung BDTX; đáp ứng nhu cầu của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong học tập BDTX; tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội được trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ và rèn luyện kỹ năng.
Thời lượng, số lượng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tham gia học tập bồi dưỡng tập trung do sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo (theo thẩm quyền quản lý) quy định nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về mục đích, yêu cầu cần đạt, nội dung, phương pháp, thời lượng bồi dưỡng được quy định trong Chương trình BDTX, tài liệu BDTX và các quy định tại Quy chế này.
Thứ hai: Bán tập trung. Kết hợp loại hình tổ chức bồi dưỡng tập trung và từ xa được quy định tại điểm a, điềm c Khoản này nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về mục đích, yêu cầu cần đạt, nội dung, phương pháp, thời lượng bồi dưỡng được quy định trong Chương trình BDTX, tài liệu BDTX và các quy định tại Quy chế này.
Thứ ba: Từ xa. Tăng cường bồi dưỡng qua mạng (thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/2017/TT-BGDĐT ngày 6/9/2017 của Bộ GD&ĐT quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bồi dưỡng, tập huấn qua mạng internet cho giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) và đảm bảo các yêu cầu về mục đích, yêu cầu cần đạt, nội dung, phương pháp, thời lượng bồi dưỡng được quy định trong Chương trình BDTX, tài liệu BDTX và các quy định tại Quy chế này.
Theo Minh Phong (GD&TĐ)