Đáp ứng đủ đội ngũ giáo viên cho chương trình mới

Theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; Năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6 và các năm tiếp theo sẽ thực hiện ở các lớp, cấp học tiếp theo. Thời gian qua, để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT, các địa phương đã có nhiều nỗi lực trong công tác chuẩn bị từ thiết kế chương trình, cơ sở vật chất… đặc biệt là công tác bồi dưỡng giáo viên. 

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Chương trình ETEP, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc chuẩn bị cho giáo viên làm quen với cách tiếp cận dạy học nhằm phát triển năng lực cho học sinh theo định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã được Bộ GD&ĐT thực hiện trong nhiều năm gần đây, và được hướng dẫn cụ thể ở một số văn bản như: Công văn số 791/HD-BGDĐT ngày 25/6/2013 về thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông; Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 8/10/2014 hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; Công văn 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017 về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017- 2018.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền

Như vậy có thể thấy, đội ngũ giáo viên về cơ bản đã có những bước chạy đà quan trọng trong việc làm quen với quy trình phát triển chương trình giáo dục của nhà trường cũng như đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực phẩm chất học sinh.

Công tác bồi dưỡng trong giai đoạn tiếp theo có tính chất vừa củng cố vừa nâng cao năng lực triển khai dạy học phát triển năng lực học sinh. Quá trình này cũng được thực hiện cuốn chiếu từng bước và qua nhiều năm. Vì vậy, với tinh thần và năng lực tự học sẵn có của giáo viên, cũng như các biện pháp hỗ trợ và tổ chức bồi dưỡng đồng bộ đội ngũ giáo viên chắc chắn sẽ đáp ứng được các yêu cầu của chương trình mới.

Chia sẻ về sự chuẩn bị của đội ngũ giáo viên, TS. Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục cho hay, về cơ bản đội ngũ giáo viên không thiếu khi số giáo viên cần đáp ứng chương trình cũ và mới không quá chênh lệch, do đó không lo về nguồn tuyển. Hằng năm, sẽ có bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng chuẩn chương trình. Hầu hết toàn bộ giáo viên vẫn sẽ được đứng lớp để thực hiện nhiệm vụ cao quý. Toàn bộ giáo viên ở các môn liên quan đến môn học tích hợp mới sẽ được bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu. Đối với đội ngũ giáo viên lớp 1, được ưu tiên lựa chọn kỹ càng chuẩn bị cho triển khai chương trình vào năm học 2020 - 2021.

"Cùng với sự nỗ lực, tôi tin giáo viên sẽ đáp ứng yêu cầu. Về những nơi khó khăn, chúng tôi cũng đã tính đến, khi đào tạo giáo viên cốt cán sẽ được chú ý hơn, đầu tư bồi dưỡng hơn về công nghệ thông tin. Chúng tôi cũng đã chọn lọc những giáo viên tốt nhất, có khả năng nhất để triển khai chương trình, với lớp 1 là từ năm học 2020 - 2021. Bộ GD&ĐT cũng tính đến vấn đề thừa thiếu giáo viên và giao cho các đơn vị tuyển dụng và định mức công việc để có thể đáp ứng chương trình. Với sự hoàn thiện của việc bồi dưỡng qua mạng, giáo viên được chủ động bồi dưỡng mọi lúc mọi nơi, cùng hệ thống công nghệ thông tin, chúng tôi tin rằng giáo viên sẽ đủ điều kiện để đáp ứng chương trình mới" - ông Minh thông tin thêm.

Theo Bộ GD&ĐT, Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông" (Chương trình ETEP) triển khai từ năm 2016. Kế hoạch tổ chức bồi dưỡng triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2019 đã được Bộ ban hành. Năm 2019, tập trung tập huấn về chương trình GDPT mới; Phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo chương trình GDPT mới. Những kỹ năng, năng lực sẽ tiếp tục tập huấn vào những năm tiếp theo.

Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo lộ trình

Về công tác bồi dưỡng giáo viên, PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Giám đốc Dự án RGEP và Chương trình ETEP (Bộ GD&&ĐT) cho biết, để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, lực lượng giáo viên đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại của đổi mới. Bên cạnh đó, là đội ngũ hiệu trưởng, các cán bộ quản lý cấp sở/phòng GD&ĐT. Ngoài ra, các giảng viên ở các trường sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục - những người trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng rất cụ thể cho 4 đối tượng này. 

Kế hoạch bồi dưỡng đã bắt đầu từ giảng viên sư phạm, khoảng 1000 giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục tiếp tục bồi dưỡng mở rộng thêm cho các đối tượng khác. Tiếp đến là triển khai bồi dưỡng cho tất cả các trưởng phòng GD&ĐT, cụ thể là 713 người trên toàn quốc, cùng với lãnh đạo sở GD&ĐT, trưởng phòng Giáo dục trung học, tiểu học, ước tính tổng cộng là 1.028 người được bồi dưỡng ở cấp trung ương. Đối với các thầy cô hiệu trưởng, Bộ sẽ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ cho 4.000 người ở cấp trung ương để họ có thể trở thành nòng cốt, tiếp tục triển khai ở địa phương. 

"Tiếp đó, sẽ tập huấn cho đội ngũ sau này sẽ là người tổ chức các sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường đó là các thầy cô giáo - tổ trưởng chuyên môn, sẽ lựa chọn và tập huấn kỹ cho khoảng 7.000 thầy cô giáo là tổ trưởng chuyên môn. Để triển khai rộng rãi cho toàn bộ giáo viên, sẽ có khoảng 28.000 thầy cô được lựa chọn là giáo viên cốt cán. Trung bình, mỗi trường sẽ có 1 thầy cô là giáo viên cốt cán được tập huấn ở Trung ương. Ở trong mỗi khu vực sẽ có đầy đủ các thầy cô bộ môn và quản lý hoạt động giáo dục được bồi dưỡng để sau này họ sẽ trở thành những người nòng cốt trong triển khai chương trình đến địa phương" - PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành chia sẻ. 

Đội ngũ giáo viên cốt cán chính là những người hỗ trợ các đồng nghiệp vừa bằng bồi dưỡng qua mạng, vừa bằng tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường. Các thầy cô giáo ở các trường sẽ trực tiếp truy cập vào nguồn tài liệu trên mạng, các ví dụ minh họa hay các trường hợp nghiên cứu điển hình trên mạng để tự học, tự nghiên cứu, chuẩn bị cho bài học của mình, với sự hỗ trợ của lực lượng nòng cốt mà tôi vừa nói. Những đợt tập huấn này sẽ được triển khai trực tiếp tại nhà trường-gọi là tập huấn tại công việc.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành cho biết, theo kế hoạch, đến năm 2021 sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho đối tượng cốt cán bao gồm: 800 giảng viên sư phạm, 1.000 cán bộ quản lý cấp sở/phòng, 4.000 hiệu trưởng, 35.000 giáo viên phổ thông và hoàn thành bồi dưỡng đại trà cho khoảng 3.500 cán bộ quản lý cấp Sở/Phòng. Từ đội ngũ cốt cán cùng với các chuyên gia của 8 trường sư phạm sẽ hỗ trợ việc tự bồi dưỡng cho khoảng 850.000 giáo viên phổ thông và 70.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

PV