Lộ trình được thực hiện thành 2 giai đoạn: Từ 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp;
Từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện nâng chuẩn đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên của các cơ sở giáo dục đạt trình độ chuẩn theo quy định.
Giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn gồm: Giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên. Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên.
Độ tuổi giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn: Tính từ ngày 1/7/2020, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở trừ thời gian đào tạo theo quy định, phải còn đủ 5 năm công tác tính đến tuổi được nghỉ hưu phải thực hiện nâng trình độ chuẩn.
Dự thảo Nghị định cũng đưa ra nguyên tắc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên. Theo đó, thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên phải bảo đảm phù hợp với thực tiễn và điều kiện thực hiện của giáo viên, cơ sở giáo dục, địa phương và không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy.
Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên phải căn cứ vào độ tuổi; hiện trạng trình độ đào tạo của giáo viên; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên; chuẩn nghề nghiệp giáo viên; vị trí việc làm gắn với việc sử dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục. Bảo đảm khách quan, công bằng, hiệu quả.
Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên được xây dựng 5 năm và hàng năm trên cơ sở định hướng, mục tiêu xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên của Nhà nước, của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên được xây dựng từ cơ sở giáo dục đến kế hoạch chung của địa phương (huyện, tỉnh/thành phố), Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm:
Kế hoạch về số lượng giáo viên phải thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn trong 5 năm và từng năm ở từng cơ sở giáo dục, ở từng địa phương và toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Kế hoạch kinh phí để đào tạo giáo viên đạt trình độ chuẩn tương ứng với kế hoạch về số lượng giáo viên theo các cấp học và trình độ đào tạo.
Kinh phí đào tạo thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên được đảm bảo từ nguồn tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước cấp bổ sung theo phân cấp ngân sách hiện hành; đóng góp của giáo viên và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
Giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn được miễn học phí. Kinh phí đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên thực hiện theo các quy định hiện hành về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Quyền lợi và trách nhiệm của giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn được quy định tại dự thảo nghị định như sau:
Đối với giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn: Được cơ quan quản lý, sử dụng tạo điều kiện về thời gian và được hỗ trợ, cấp kinh phí đào tạo theo quy định; Được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục; Được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật; Được biểu dương, khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong học tập.
Giáo viên là nữ, người dân tộc thiểu số, ngoài những quyền lợi được hưởng theo quy định như trên thì còn được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc.
Trách nhiệm của giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn: Thực hiện các quy định về đào tạo, quy chế và quy định về thời gian đào tạo; chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo trong thời gian tham gia khóa học; Thực hiện đền bù chi phí đào tạo theo quy định hiện hành của pháp luật.
Dự thảo Nghị định quy định về thời gian đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên như sau:
Đào tạo trình độ cao đẳng sư phạm được thực hiện từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo;
Đào tạo trình độ đại học sư phạm được thực hiện từ hai năm rưỡi đến bốn năm học đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo; từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng cùng ngành đào tạo.
Đối với giáo viên đào tạo theo hình thức học tập tích lũy tín chỉ thì thời gian đào tạo để đạt trình độ chuẩn theo quy định tối đa không quá 4 năm học kể từ ngày trúng tuyển.
Thời gian đào tạo được thực hiện linh hoạt trong năm.
Các hình thức đào tạo được thực hiện linh hoạt, phù hợp với đối tượng giáo viên vừa làm vừa học: Học tích lũy tín chỉ; học từ xa; học tập trung; trực tuyến; học trực tuyến kết hợp với tập trung.
Việc đào tạo đối với giáo viên vừa làm vừa học được tổ chức và quản lý theo tín chỉ.
Giáo viên có thể học và thi để tích luỹ một số tín chỉ cùng với hệ đào tạo chính quy.
Ngay khi tuyển sinh và vào đầu khóa học, cơ sở đào tạo phải thông báo cho người học về chương trình đào tạo toàn khóa; đề cương chi tiết các học phần trong chương trình đào tạo; học liệu; kế hoạch học tập; kế hoạch kiểm tra, thi; các quy định khác của cơ sở đào tạo có liên quan đến khóa học.
Dự thảo Nghị định được xây dựng bao gồm 5 chương, 19 Điều. Nghị định áp dụng đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên đang giảng dạy chương trình giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt (trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường năng khiếu, trường dành cho người tàn tật, khuyết tật, trường giáo dưỡng) và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Hiếu Nguyễn