Mô đun 2 là "Sử dụng phương pháp
dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/THCS/THPT",
gồm 3 nội dung: Các xu hướng hiện đại về phương pháp, kĩ thuật dạy
học và giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu
học/THCS/THPT; Lựa chọn, sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học
phù hợp nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo môn học/hoạt động
giáo dục trong Chương trình GDPT 2018; Lựa chọn, xây dựng các chiến lược dạy
học, giáo dục hiệu quả phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học/THCS/THPT.
Trong quá trình
triển khai bồi dưỡng mô đun 2 tại Trường Đại học Vinh, giảng viên sư phạm chủ
chốt cũng như giáo viên phổ thông cốt cán đã ghi nhận có nhiều nét đột phá, đổi
mới trong chương trình bồi dưỡng.
Quy lát, khoa học và thuận lợi
TS. Lê Thanh Nga
- Giảng viên Viện SP Xã hội, Trường Đại học Vinh cho biết: "Việc triển
khai mô đun 2 bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giáo viên cốt cán theo chương
trình ETEP có nhiều thuận lợi. Thứ nhất,
sau khi trải qua mô đun 1, tất cả đội ngũ giảng viên, báo cáo viên cho đến học
viên đã được rút kinh nghiệm qua một đợt và được chuẩn bị sẵn tâm thế. Thứ hai, mô đun 1 có thể coi là một
hướng dẫn tổng thể, tạo phông nền cho các mô đun tiếp theo, khiến việc giảng dạy
của giảng viên và việc tiếp thu của học viên khá suôn sẻ, trôi chảy. Đặc biệt
là tạo ra các sản phẩm ngày càng tốt hơn, giá trị sản phẩm chứng minh cho sự
tiến bộ của học viên. Bước đột phá thấy rõ nhất là nếu như trước đây, chúng ta
phải mất một quá trình khá dài để làm công tác tư tưởng, chuẩn bị các điều kiện
từ vật chất, tinh thần thì đợt bồi dưỡng này mọi thứ diễn ra khá nhanh và quy
lát bởi tất cả đều đã được đáp ứng về cơ bản".
TS. Lê Thanh Nga hướng dẫn học viên thảo luận nhóm
Về hệ thống LMS, ở
mô đun 1, việc vào tài khoản của học viên trên mạng vẫn còn bị chậm, bị lỗi thì
ở mô đun 2 đã kết nối nhanh hơn. Tài liệu cũng được chuẩn bị chu đáo hơn, nội
dung tài liệu đầy đủ, đúng với tinh thần của ETEP - TS. Lê Thanh Nga cho biết
thêm.
Bài bản, cụ thể và rõ ràng nhiệm vụ
PGS.TS. Nguyễn
Thị Nhị - Giảng viên Viện SP Tự nhiên, Trường Đại học Vinh chia sẻ: "Đứng
trên góc độ giảng viên đã tham gia bồi dưỡng giáo viên cốt cán cho lớp Khoa học
tự nhiên, tôi thấy so với mô đun 1, mô đun 2 bài bản hơn. Về nguồn tài liệu bồi
dưỡng, mô đun 2 có nội dung cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ cho người học. Học viên do
đã được bồi dưỡng qua mô đun 1, đã hiểu được phương pháp, cách thưc học tập.
Mặt khác còn được học trực tuyến trước ở nhà 5 ngày nên khi đi bồi dưỡng trực
tiếp học viên khá hào hứng, đón nhận nhiệt tình, hoàn thành tốt các nhiệm vụ
thảo luận trao đổi, làm bài tập. Vì thế so với mô đun 1, học viên có sự thay
đổi, tiến bộ vượt bậc từ việc chuẩn bị bài cho đến việc học trên lớp. Còn về
phía giảng viên ở mô đun 1, nhiều người còn khá bỡ ngỡ nhưng sang đến mô đun 2,
phần lớn các giảng viên đã thực hiện bài bản, khoa học việc bồi dưỡng, tập huấn
cho người học. Qua khảo sát ý kiến, học viên có những phản hồi rất tích cực".
Về hệ thống LMS,
so với mô đun 1, dữ liệu đưa lên tốt và hệ thống chạy ổn định tạo điều kiện cho
học viên thao tác và học tập thuận lợi. Trên hệ thống đã có các video, nhưng giảng
viên và học viên đều mong muốn sẽ có 1 video mẫu cho một tiết học đầy đủ 45
phút để tham khảo vì video đã có chưa đáp ứng được mong muốn mà người học chờ
đợi - PGS.TS. Nguyễn Thị Nhị đề xuất.
PGS.TS. Nguyễn Thị Nhị chia sẻ về nội dung chương trình bồi dưỡng
Tiếp nhận được nhiều nội dung, kiến thức và học hỏi, mở mang rất nhiều
điều
Đã tham gia bồi
dưỡng mô đun 1 cho giáo viên, cán bộ
quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán năm 2020 theo Chương trình ETEP để phục
vụ cho việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, khi
tiếp tục tham gia mô đun 2, thầy giáo Lê Quang Phúc - Hiệu trưởng Trường THCS
Diễn Lâm (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) cho biết: Thứ nhất, nguồn tài liệu ở mô đun 2 được sắp xếp khoa học, dễ theo
dõi hơn vì được phân chia cụ thể theo kế hoạch một cách tuần tự. Nếu ở mô đun
1, học viên đi tập huấn còn mơ hồ, buổi tiếp theo chẳng biết mình học cái gì
thì sang đến mô đun 2, học viên có thể nghiên cứu trước tài liệu trước khi lên
lớp. Thứ hai, hệ thống âm thanh hình
ảnh ổn hơn, các video trong mô đun 2 nhiều hơn; cách triển khai câu hỏi trong
mô đun 2 cũng khác so với mô đun 1. Cụ thể ở mô đun 1, mỗi lần học viên làm bài
tập, khoảng 10 phút có 1 lần câu hỏi dừng lại sau đó học viên trả lời. Còn bây
giờ xem hết toàn bộ video, học viên nắm được kiến thức tổng quan rồi mới trả
lời câu hỏi. Về đội ngũ giảng viên rất nhiệt tình, tận tâm và có phương pháp
truyền thụ tốt. Quá trình bồi dưỡng, học viên tiếp nhận được nhiều nội dung,
kiến thức và học hỏi, mở mang rất nhiều điều.
Thầy giáo Lê Quang Phúc đánh giá cao chương trình bồi dưỡng mô đun 2 có nhiều nét đổi mới so với mô đun 1
Cùng quan điểm
với thầy giáo Lê Quang Phúc, thầy giáo Vi Kim Ngân - Giáo viên Trường THCS bán
trú Nga My (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) chia sẻ thêm: Thứ nhất, các nội dung kế hoạch đều được đưa lên hệ thống LMS để
học viên nắm và chủ động về mặt thời gian để tham gia học trực tuyến trên hệ
thống trước; hệ thống tài liệu cũng rất đa dạng, có các văn bản của Bộ Giáo dục
và Đào tạo, các tài liệu
liên quan đến mô đun đang học, đặc biệt có video bài giảng, hình ảnh phong phú
dễ tiếp cận. Thứ hai, Hệ thống
LMS tương đối chuẩn về tốc độ truy cập, đội ngũ giảng viên Trường Đại học Vinh
rất chất lượng, dày dặn kinh nghiệm và am hiểu các đối tượng giáo viên phổ
thông. Học viên tham gia bồi dưỡng hoàn toàn tự tin sẽ triển khai tốt cho giáo
viên đại trà và áp dụng các kiến thức, phương pháp đã học trong giảng dạy
chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thầy giáo Vi Kim Ngân cảm thấy tự tin hơn khi triển khai Chương trình GDPT mới
Đã nắm bắt được mục đích, yêu cầu mà môn học đề ra
Cô giáo Lê Thị
Hằng - Giáo viên Trường THCS Hàm Nghi (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Nếu
như ở mô đun 1, mới nhìn tổng quan, học viên chúng tôi còn cảm thấy bỡ ngỡ,
phần nào hoang mang với nhiều vấn đề chưa gợi mở được thì sang đến mô đun 2 đã tháo
gỡ được các vướng mắc ban đầu. Phương pháp truyền thụ của giáo viên cùng nguồn
tài liệu mở đã giúp chúng tôi đã nắm bắt được mục đích, yêu cầu mà môn học đề
ra trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cô giáo Lê Thị Hằng chia sẻ về nguyện vọng của mình
Tuy nhiên vì môn
học trải nghiệm quy tụ giáo viên thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau: Tiếng Anh,
Toán, Công nghệ, tổng phụ trách đội, giáo viên quản lý... nên mối lo chung của
học viện là sẽ tiếp cận, nắm bắt được môn mới nhưng về chuyên môn sâu của mình
lại không nắm bắt được. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn chương trình tạo điều kiện
cho giáo viên cốt cán vừa được bồi dưỡng môn trải nghiệm nhưng vừa tiếp cận
được môn chuyên sâu của mình - Cô giáo Lê Thị Hằng đề xuất thêm.
Các mô đun bồi dưỡng thực hiện Chương trình GDPT mới cho giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 - 2021 nhằm hỗ trợ giáo viên
cơ sở giáo dục phổ thông triển khai thực hiện thành công Chương trình giáo
dục phổ thông 2018; Đáp ứng nhu cầu học tập
thường xuyên, liên tục, suốt đời của mỗi giáo viên cơ sở giáo dục phổ
thông, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo
dục phổ thông trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Đồng thời,
đây là căn cứ quản lý, chỉ đạo, tổ chức và biên soạn tài liệu
phục vụ công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông
nhằm phát triển nghề nghiệp theo yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo
dục phổ thông.
Các mô đun bồi dưỡng này áp dụng đối với giáo viên đang giảng dạy ở trường tiểu học,
trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều
cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông
dân tộc bán trú, gồm các nội dung bồi dưỡng phát triển năng lực nghề
nghiệp để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng
trong cả nước.
|
TT. ETEP