Theo đó, những năm trước đây, kiểm tra, đánh giá chủ yếu vẫn là đánh giá sự ghi nhớ kiến thức, chưa chú trọng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, chưa khuyến khích sự sáng tạo, những suy nghĩ độc lập của cá nhân. Chủ yếu là đánh giá kết quả học tập (đánh giá tổng kết).
Nhiều giáo viên chưa vận dụng đúng quy trình biên soạn đề kiểm tra nên các bài kiểm tra còn nặng tính chủ quan của người dạy. Hoạt động kiểm tra, đánh giá trong quá trình tổ chức hoạt động dạy học trên lớp chưa được quan tâm thực hiện một cách khoa học và hiệu quả. Các hoạt động đánh giá định kỳ, đánh giá diện rộng quốc gia được tổ chức chưa thật sự đồng bộ, hiệu quả.
Nhằm đổi mới kiểm tra, đánh giá, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn số 8773/BGDĐT-GDTrH ngày 30/12/2010, hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra theo ma trận. Chuyển từ chú trọng kiểm tra kết quả ghi nhớ, kiểm tra cuối kì, cuối năm sang coi trọng kết hợp kết quả đánh giá phong cách học và năng lực vận dụng kiến thức trong quá trình giáo dục và tổng kết cuối kỳ, cuối năm học để hướng tới phát triển năng lực của học sinh.
Coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập, động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của học sinh trong quá trình dạy học. Đa dạng hóa chủ thể, sản phẩm, phương pháp, hình thức đánh giá.
Nói về định hướng về đánh giá kết quả giáo dục, ông Vũ Đình Chuẩn nhấn mạnh đến mục tiêu đánh giá, căn cứ đánh giá và phạm vi đánh giá.
Cụ thể, mục tiêu đánh giá là cung cấp thông tin chính xác, khách quan, có giá trị, kịp thời về mức độc cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lý và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.
Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn học.
Phạm vi đánh giá bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học và chuyên đề học tập lựa chọn và môn học tự chọn.
Về định hướng đổi mới, đánh giá phải hướng tới sự phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh thông qua mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ và các biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh dựa trên mục tiêu giáo dục; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh vềphương pháp học tập.
Chú trọng đánh giá thường xuyên, kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học. Kết hợp đánh giá của giáo viên và đánh giá lẫn nhau của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và cộng đồng.
Đa dạng hóa hình thức, công cụ đánh giá: các hoạt động đánh giá trên lớp; hồ sơ học tập, vở học tập; báo cáo kết quả thực hiện dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kết quả thực hành - thí nghiệm; bài thuyết trình (viết, trình chiếu, video clip…) về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.
Cùng với đó, phải coi trọng đánh giá sự tiến bộ của mỗi học sinh, không so sánh học sinh với nhau; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự hứng thú, tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh, giúp học sinh phát huy năng khiếu cá nhân; đảm bảo đánh giá kịp thời, công bằng, khách quan, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh.