Lộ trình bồi dưỡng giáo viên bài bản
PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT (RGEP) và Chương trình Phát triển Sư phạm nâng cao năng lực giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT (ETEP)cho biết: Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, lực lượng giáo viên đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại của đổi mới. Bên cạnh đó, là đội ngũ hiệu trưởng, các cán bộ quản lý cấp sở/phòng GD&ĐT. Ngoài 3 đối tượng trực tiếp triển khai chương trình GDPT mới, đối tượng thứ 4 cũng rất quan trọng, đó là các giảng viên ở các trường sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục - những người trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành
Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng rất cụ thể cho 4 đối tượng trên. Kế hoạch bồi dưỡng được bắt đầu từ giảng viên sư phạm - những người phát triển tài liệu và tổ chức bồi dưỡng cho 4 đối tượng này. Tiếp theo sẽ mở rộng ra đối tượng là giảng viên sư phạm - người trực tiếp tham gia biên soạn, thẩm định tài liệu, tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở trung ương, địa phương. Khoảng 1.000 giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục đó sẽ tiếp tục bồi dưỡng mở rộng thêm cho các đối tượng.
Mới đây, Dự án RGEP và Chương trình ETEP đã tổ chức khóa tập huấn cho 200 báo cáo viên nguồn, ngay sau đó là tập huấn 100 giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục chủ chốt chuẩn bị cho Chương trìnhGDPT mới. Từ đội ngũ báo cáo viên nguồn sẽ tiếp tục mở rộng ra cho các giảng viên trường sư phạm, bao gồm 2 nhóm: Giảng viên trường quản lý giáo dục (100 người) để triển khai nhiệm vụ xây dựng tài liệu và bồi dưỡng cho cán bộ quản lý giáo dục cấp Sở, Phòng và giảng viên sư phạm chủ chốt (700 người). "Chương trình GDPT mới là chương trình phát triển năng lực học sinh, làm sao để học sinh phát triển được năng lực tự chủ, tự lực và vận dụng, tiếp thu kiến thức từ nền tảng chung của nhân loại. Phần lớn các kiến thức này đã có trong chương trình hiện hành. Theo dòng chảy đó, những giá trị mà chúng ta đã đạt được đều phải được áp dụng để đổi mới." - PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành nhận định.
Theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành, tới đây, 713 trưởng phòng GD&ĐT trên toàn quốc, cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT, trưởng phòng Giáo dục Trung học, trưởng phòng Giáo dục Tiểu học là khoảng trên 1.000 người được bồi dưỡng ở cấp trung ương. Số lượng hiệu trưởng được bồi dưỡng ở cấp trung ương là 4 nghìn người (7 hiệu trưởng sẽ có 1 người được tập huấn kỹ sẽ là nòng cốt để tiếp tục triển khai ở địa phương); số tổ trưởng chuyên môn được bồi dưỡng cấp trung ương là khoảng 7.000người.
Tiếp đến, để triển khai rộng rãi cho toàn bộ giáo viên, sẽ có khoảng 28.000 thầy cô được chọn là giáo viên cốt cán (trung bình mỗi trường có 1 thầy cô là cốt cán được tập huấn ở trung ương). Trong mỗi khu vực sẽ có đầy đủ các thầy cô bộ môn và hoạt động giáo dục được tập huấn ở trung ương. Từ đó, họ sẽ là nòng cốt, tiếp tục hỗ trợ đồng nghiệp trong việc vừa bồi dưỡng theo hình thức qua mạng, đồng thời tổ chức sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường.
Với lực lượng đó, các địa phương sẽ tiếp tục mở rộng việc bồi dưỡng với hình thức kết hợp giữa bồi dưỡng qua mạng kết hợp bồi dưỡng trực tiếp. Thầy cô giáo sẽ trực tiếp truy cập vào nguồn tài liệu trên mạng, những ví dụ minh họa, trường hợp điển hình để tự học, tự nghiên cứu. Với sự hỗ trợ của lực lượng nòng cốt, việc tập huấn đội ngũ giáo viên đại trà sẽ được triển khai trực tiếp tại các nhà trường, tập huấn tại công việc.
9 modul bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục
Theo các chuyên gia, Chương trình GDPT mới được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Đây là điểm đổi mới căn bản so với chương trìnhhiện hành. Trong cấu trúc Chương trình GDPT mới còn có sự sắp xếp lại, tạo điều kiện để học sinh thể tiếp nhận kiến thức một cách chủ động hơn, vận dụng kiến thức vào thực tiễn tốt hơn. Cũng chính vì yêu cầu đó và theo xu hướng quốc tế, Chương trình có một số môn học đang gọi là môn tích hợp, trong đó ở lĩnh vực tự nhiên có Vật lý, Hóa học, Sinh học, hay các môn Lịch sử, Địa lý thuộc lĩnh vực xã hội.
Một số ý kiến băn khoăn khi dạy các môn học này, giáo viên sẽ giải quyết như thế nào? Theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT (RGEP) và Chương trình Phát triển Sư phạm nâng cao năng lực giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT (ETEP), để phát triển năng lực phẩm chất học sinh, giáo viên phải thực hiện tốt phương pháp dạy học tích cực, phải tổ chức được cho học sinh hoạt động học để vận dụng kiến thức cũng như áp dụng kiến thức vào cuộc sống. Chương trình GDPT mới đã được thiết kế để sao cho giáo viên, với cơ cấu hiện nay, vẫn có thể đảm nhận được. Nhưng không phải ngay lập tức một giáo viên phải đảm nhận ngay trách nhiệm dạy các mạch kiến thức của các môn tích hợp.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành lưu ý, khi tổ chức kế hoạch giáo dục, nhà trường có thể phân công cho các giáo viên dạy chuyên môn nào phụ trách mạch kiến thức ấy. Ví dụ với môn Khoa học tự nhiên, 3 mạch kiến thức được chia ra chứ không đan xen với nhau. Ví dụ như ở một lớp thì kiến thức phần đầu liên quan đến môn Hóa học, phần giữa liên quan đến Vật lý, phần cuối liên quan đến môn Sinh học. Như vậy, việc phân công giáo viên không có gì khó khăn.
Bên cạnh đó, Chương trình GDPTmới được xây dựng theo hướng mở, giao quyền chủ động cho các nhà trường,được xây dựng kế hoạch thực hiện. Vì vì,thế số tiết của một môn học không quy định theo tuần mà chỉ quy định cả năm học. Ví dụ với môn Khoa học tự nhiên, các lớp 6, 7, 8, 9 có 560 tiết. Như vậy, khi thiết kế kế hoạch, nhà trường có thể chủ động sắp xếp giáo viên với cơ cấu hiện có. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cho các giáo viên có khả năng và mong muốn đảm nhận từ 2 đến 3 môn học.
Được biết, hiện nay các hiệu trưởng nhà trường đã được Bộ GD&ĐT hướng dẫn triển khai Chương trình GDPT mới bằng các văn bản chi tiết. Theo đó, hiệu trưởng được giao quyền xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, không theo phân phối chương trình từ trên xuống như trước (từ năm 2013). Kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, giáo viên đã được lên kế hoạch năm 2021, trong đó có 9 modul dành cho cán bộ quản lý.
PV