Bồi dưỡng trực tuyến kết hợp trực tiếp: Hợp lý
Tại Hội nghị đánh giá công tác bồi dưỡng giáo viên đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 do Câu lạc bộ các trường đại học sư phạm (ĐHSP) tổ chức mới đây, Giám đốc Chương trình Phát triển các trường SP (ETEP) Nguyễn Xuân Thành cho biết, công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cho Chương trình GDPT 2018 được giao 8 trường ĐHSP chủ chốt triển khai thực hiện. Bao gồm Trường ĐHSP Hà Nội, Trường ĐHSP Hà Nội 2; Trường ĐHSP - ĐH Thái Nguyên; Trường ĐH Vinh; Trường ĐHSP - ĐH Huế; Trường ĐHSP - ĐH Đà Nẵng; Trường ĐHSP TPHCM; Học viện Quản lý giáo dục.
Theo kế hoạch, năm 2019, các trường ĐHSP đã triển khai tập huấn về Tìm hiểu Chương trình GDPT mới (modul 1) cho 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán và gần 6.000 cán bộ quản lý giáo dục cốt cán của 63 tỉnh thành. Đến hết tháng 12/2019, việc này đã hoàn thành.
Ông Nguyễn Văn Hiền - Phó Giám đốc Chương trình ETEP cho biết, giáo viên được bồi dưỡng qua mạng và trực tiếp, trong đó 3 - 5 ngày tự học trên mạng, 3 ngày học trực tiếp và 7-10 ngày hoàn thành bài tập. Kết thúc mô đun 1, giáo viên phải nắm chắc chương trình các môn, hoạt động giáo dục, từ đó tổ chức hoạt động và biên soạn giáo án ứng với chương trình mới.
Chia sẻ về phản hồi của người học, GS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, qua thực tế triển khai các trường ĐHSP tham gia bồi dưỡng giáo viên và đội ngũ học viên đều đánh giá hình thức tổ chức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp là hợp lý, tạo được sức hấp dẫn và hiệu quả cho công tác này.
"Sau khóa học, đa số giáo viên cho rằng, họ đã hiểu hơn về chương trình GDPT 2018, về từ quan điểm xây dựng, các điểm mới, nội dung, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, định hướng về phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá theo phát triển năng lực... Các thầy cô cũng nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của bản thân trong triển khai Chương trình GDPT mới và hỗ trợ đồng nghiệp tại địa phương tự bồi dưỡng qua hệ thống online" - GS Nguyễn Văn Minh nói.
Trước đó, cô giáo Trần Thị Như - Trường THCS Khánh Hòa, Cam Ranh, một trong hàng nghìn giáo viên cốt cán tham gia khóa tập huấn lần này cũng cho biết, mình và đồng nghiệp rất hài lòng với phương thức tập huấn kết hợp. Các thầy cô phải học thật và làm thật, mới mẻ và khác biệt.
"Chúng tôi phải tự học tự tìm hiểu để trả lời 2 nội dung theo yêu cầu trực tuyến, sau đó chúng tôi sẽ có 3 ngày được làm việc trực tiếp với giáo viên để có hướng dẫn cụ thể. Chúng tôi cảm thấy được nâng cao năng lực và đặc biệt đòi hỏi giáo viên phải biết sử dụng công nghệ thông tin thành thạo để hoàn thành được khóa học. Tôi cảm thấy tự tin, có thể chia sẻ được những điều mình đã học tập được cho đồng nghiệp" - cô Như chia sẻ.
Một số khó khăn cũng được tổng kết lại đó là hệ thống học tập qua mạng chưa đảm bảo được các yêu cầu chuyên môn; giáo viên lớn tuổi và giáo viên vùng cao gặp khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin khi học tập... Đây cũng sẽ là những khó khăn cần lường trước để tìm ra giải pháp khắc phục khi triển khai chương trình bồi dưỡng đại trà sắp tới trên phạm vi toàn quốc với đối tượng các thầy cô giáo đông đảo hơn.
Chủ động bồi dưỡng đại trà
Đánh giá cao những nỗ lực của các trường ĐHSP trong bồi dưỡng giáo viên năm vừa qua, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và mong muốn năm 2020, các trường nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm chuyên môn để tiếp tục làm tốt sứ mệnh chuẩn bị đội ngũ thầy cô đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới.
Bộ trưởng yêu cầu các trường sư phạm liên tục tập huấn nâng cao chất lượng cho đội ngũ giảng viên cốt cán tham gia bồi dưỡng giáo viên. Đội ngũ này cần được sàng lọc về chuyên môn và trách nhiệm để đảm bảo những ai được "đứng lớp" bồi dưỡng cho giáo viên phải là người tốt nhất. Các trường ĐHSP được giao xây dựng tài liệu bồi dưỡng được Bộ trưởng đặc biệt yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc, công phu, khoa học, hình thức thể hiện linh hoạt, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Tài liệu này cần sớm đăng tải trên hệ thống học tập trực tuyến để giáo viên thuận tiện trong tiếp cận và học tập. Với tinh thần phân cấp tối đa, Bộ GDĐT cho phép các trường ĐHSP chủ động xây dựng quy trình bồi dưỡng giáo viên và tổ chức thực hiện đảm bảo với đặc trưng và điều kiện thực tế của trường. Bộ GDĐT sẽ kiểm tra, giám sát để đảm bảo quy trình được phù hợp, chặt chẽ, hiệu quả.
Theo kế hoạch, từ tháng 1 đến tháng 3/2020, các địa phương sẽ tổ chức bồi dưỡng đại trà Chương trình GDPT mới cho tất cả giáo viên lớp 1.Việc bồi dưỡng đại trà được thực hiện theo đúng Kế hoạch 263 ngày 29/3/2019 của Bộ GDĐT. Trong đó, giáo viên lớp 1 được ưu tiên bồi dưỡng trước nhằm đảm bảo việc áp dụng Chương trình mới cho năm học 2020 - 2021.
Cách thức bồi dưỡng đại trà cho tất cả giáo viên sẽ tương tự đối với cán bộ cốt cán. Thầy cô có tài khoản tự học trước, giáo viên cốt cán hỗ trợ theo cách trả lời thắc mắc trên hệ thống hoặc địa phương có thể tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên môn để thầy cô đã được bồi dưỡng đến chia sẻ. Hiện, tài liệu luôn tồn tại trên hệ thống nên thầy cô có thể tự học.
Năm 2020, dự kiến các thầy cô sẽ được bồi dưỡng thêm 3 mô đun, gồm tìm hiểu sâu về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và xây dựng kế hoạch dạy học.
Hiện một số tỉnh thành phố cũng đã chủ động tìm hiểu và triển khai việc bồi dưỡng đại trà để kịp đáp ứng Chương trình GDPT mới như Ninh Bình, Nghệ An. Điều này sẽ giúp giáo viên hiểu cặn kẽ, có khả năng xây dựng giáo án, tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp, bớt lệ thuộc vào sách giáo khoa.
Hàn Minh