Sinh viên sư phạm
Đào tạo phải gắn liền với thực tiễn
Nghiên cứu một số chương trình đào tạo giáo viên ở một số cơ sở giáo dục đại học có đào tạo giáo viên trước đây, GS.TS. Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cho biết, trong các chương trình đào tạo giáo viên thời gian qua, khối kiến thức giáo dục đại cương còn xơ cứng, ít đổi mới; khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp vẫn còn tình trạng mất cân đối giữa kiến thức nghiệp vụ sư phạm và kiến thức ngành, thường khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm chỉ chiếm tỷ lệ thấp từ 16% - 23,5% khối lượng kiến thức chương trình đào tạo. Chưa kể, tính liên thông giữa các chương trình đào tạo giáo viên trong cùng một cơ sở đào tạo và khác cơ sở đào tạo là không cao.
Từ thực tế nêu trên, bồi dưỡng năng lực phát triển chương trình đào tạo cho đội ngũ giảng viên sư phạm là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với các trường đại học sư phạm trong đổi mới giáo dục. Nhất là trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu triển khai dạy đại trà lớp 1 vào năm học 2020 - 2021. "Trong thiết kế và phát triển chương trình đào tạo, các môn học trong chương trình đào tạo phải hướng đến hình thành cho người học những năng lực cần thiết để thực hiện các hoạt động cơ bản trong thực tiễn nghề nghiệp, giải quyết tốt các tình huống xảy ra trong bối cảnh cụ thể của thực tiễn giáo dục" - GS.TS. Đinh Xuân Khoa nêu đề xuất.
Theo GS.TS. Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục: "Thời đại 4.0, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đặc biệt quan trọng trong vai trò "đầu tầu", quyết định hướng đi và tốc độ đổi mới của cả hệ thống giáo dục. Do đó, cần xây dựng chiến lược phát triển năng lực cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam thích ứng với thời công nghệ số, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Triển khai hiệu quả Chương trình Phát triển các trường sư phạm để để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông(ETEP)là một giải pháp tốt cho vấn đề này".
Khi các trường sư phạm là "đầu tầu"
PGS.TS. Bùi Đức Nguyên - Trường Đại học Sư phạm - ĐH Thái Nguyên cho rằng, trong xu thế hội nhập quốc tế, các trường sư phạm phải thực hiện 2 nhiệm vụ đồng thời là đào tạo và đào tạo lại. Theo đó, các trường sư phạm rà soát lại nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ nhà giáo, phải xác định thứ tự ưu tiên để đầu tư cho hiệu quả. Để làm tốt việc này, các trường cần có chiến lược phát triển nhà trường, quan tâm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản trị nhà trường, năng lực dạy học tích hợp, dạy học trực tuyến, năng lực hoạt động tương tác với trường phổ thông, các cơ quan quản lý giáo dục cho giảng viên và các lãnh đạo nhà trường.
Lấy bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông mới làm căn cứ để đặt ra các nhiệm vụ cần đẩy mạnh bồi dưỡng giáo viên, GS. Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng tích hợp và phân hóa và coi tích hợp là cách để giảm tải những kiến thức rời rạc, độc lập, chưa quan tâm đến việc tăng cường năng lực vận dụng tổng hợp các kiến thức vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống… Theo đó, giáo viên phải được đào tạo, bồi dưỡng sao cho vừa có tri thức đủ rộng, vừa có năng lực dạy học một môn học ở mức cao hơn, sâu hơn, gắn cụ thể hơn với một lĩnh vực ngành nghề".
Cũng theo GS. Đinh Quang Báo, để bắt nhịp với đổi mới giáo dục phổ thông thì các trường sư phạm phải đổi mới mục tiêu đào tạo theo hướng đào tạo giáo viên trở thành nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà văn hóa và hoạt động xã hội trên nền hiểu biết vừa rộng vừa sâu một chuyên ngành. Đổi mới về phương thức đào tạo sẽ phải đào tạo theo hướng tích hợp sư phạm phổ thông theo hướng đào tạo nội trú (đào tạo vừa học vừa làm tại trường phổ thông), và đào tạo theo nhu cầu của nhà sử dụng sản phẩm. Các trường sư phạm phải tham gia phát triển các sản phẩm dịch vụ cho giáo dục phổ thông. Ví dụ, phát triển các chương trình bồi dưỡng theo các chủ đề mà nhà trường có nhu cầu; phát triển hệ thống học liệu, ấn phẩm hay các học liệu số…; phát triển các ngân hàng đề kiểm tra, đánh giá…
Bộ GD&ĐT đã xác định rõ, việc bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viênđáp ứng Chương trình GDPT mới,các trường sư phạm có vai trò hết sức quan trọng, phải là đơn vị nòng cốt biên soạn tài liệu, tổ chức thẩm định, tổ chức bồi dưỡng.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, triển khai Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP), hiện nay, có 8 trường sư phạm/học viên trên phạm vi cả nước được đầu tư để nâng cao năng lực về đội ngũ, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, thư viện để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tám đơn vị này được xác sẽ là tám đơn vị chủ chốt, đầu tàu cho mạng lưới các trường sư phạm sắp tới đảm nhiệm trọng trách đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.
PV