Tham dự có TS. Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) - Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP); GS.TS. Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An.

Về phía Trường Đại học Vinh có GS.TS. Đinh Xuân Khoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Ngọc Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Trưởng ban Quản lý Chương trình ETEP Trường Đại học Vinh; TS. Tăng Thị Thanh Sang - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm; Các đồng chí trong Ban chỉ đạo công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, Ban Quản lý Chương trình ETEP Trường Đại học Vinh và Trưởng các khoa, viện đào tạo, các phòng ban, trung tâm có liên quan của Nhà trường.

Đại biểu tham dự lễ khai mạc

Khóa bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn trường phổ thông triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được tổ chức từ ngày 29/10 đến ngày 06/11/2019, chia làm 2 đợt, mỗi đợt 3 ngày bồi dưỡng trực tiếp tại Trường Đại học Vinh với quy mô hơn 800 học viên. Riêng đợt 1 tổ chức từ ngày 29/10 đến ngày 31/10/2019 có hơn 500 học viên tham dự là tổ trưởng chuyên môn của các trường phổ thông đến từ 9 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình.

Phát biểu khai mạc khóa bồi dưỡng, TS. Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ghi nhận và đánh giá cao đội ngũ giảng viên cốt cán của Trường Đại học Vinh có năng lực, mạnh mẽ, tâm huyết, xây dựng tài liệu công phu để phục vụ tốt các chương trình bồi dưỡng giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

TS. Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu khai mạc khóa bồi dưỡng

Đối với các học viên, Thứ trưởng đề nghị các thầy cô là tổ trưởng chuyên môn dùng hết tư duy, năng lực của mình ngay từ khóa bồi dưỡng này. Lấy mục tiêu chất lượng là mục tiêu số 1 trong lớp học, học tập cách thức tổ chức lớp học, triển khai ở thực tế tốt hơn. Sau khóa học, các tổ trưởng chuyên môn phải đạt được 3 yêu cầu: Nắm được chương trình giáo dục phổ thông mới; nắm được chương trình bộ môn mình phụ trách cùng với phương pháp giảng dạy; nắm được cách đánh giá theo hướng phát huy năng lực người học. Từ đó, góp phần bồi dưỡng giáo viên đại trà, để khi thực hiện chương trình mới không thấy bị động, mà tự tin chờ đón.

Thay mặt cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên Trường Đại học Vinh, GS.TS. Đinh Xuân Khoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng đã nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Tổ trưởng chuyên môn trường phổ thông và nồng nhiệt chào đón Tổ trưởng chuyên môn của các trường phổ thông đến từ 9 tỉnh miền Bắc về tham dự khóa tập huấn. Là một trường đại học đa ngành, anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, trường trọng điểm quốc gia nhưng tiền thân là một trường sư phạm nổi tiếng, Trường Đại học Vinh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn tham gia Chương trình ETEP cùng với 7 trường sư phạm khác trong cả nước và được giao thực hiện tổ chức bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông nhằm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới. GS.TS. Đinh Xuân Khoa hy vọng Trường Đại học Vinh sẽ để lại ấn tượng đẹp cho các học viên của khóa bồi dưỡng.

GS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu chào mừng

Để chuẩn bị cho triển khai bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông nhằm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, Trường Đại học Vinh cùng với các trường sư phạm chủ chốt đã chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc biên soạn, phát triển chương trình tài liệu bồi dưỡng, tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên chủ chốt, phương thức triển khai bồi dưỡng cũng được lựa chọn, cải tiến, chuẩn bị hết sức chu đáo. Trường đã có 98 giảng viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên của bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là đội ngũ vừa có năng lực chuyên môn, vừa có kinh nghiệm thực tiễn và đã tham gia sâu vào quá trình nghiên cứu, biên soạn, xây dựng chương trình phổ thông mới và được giao nhiệm vụ trực tiếp đứng lớp bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông cốt cán. Ngoài ra, với kinh nghiệm tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; cùng với cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, hiện đại; đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản, GS.TS. Đinh Xuân Khoa chắc chắn khóa bồi dưỡng cho tổ trưởng chuyên môn sẽ đạt kết quả cao nhất.

TS. Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ GDTrH, Bộ GD&ĐT báo cáo chuyên đề chung về Chương trình GDPT mới

Toàn cảnh buổi thứ nhất của khóa bồi dưỡng

Trao đổi với các tổ trưởng chuyên môn trường phổ thông tại lễ khai mạc khóa bồi dưỡng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh: Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo là văn bản pháp lý quan trọng đối với sự phát triển giáo dục Việt Nam. Trong đó, đặc biệt có 5 thay đổi quan trọng về tư duy giáo dục.

Thứ nhất, chuyển tư duy từ việc chú trọng phát triển số lượng sang chú trọng phát triển chất lượng. Đem chất lượng làm mục tiêu hàng đầu, nền giáo dục không chất lượng thì coi như không có giáo dục

Thứ hai, chuyển tư duy dạy học theo hướng chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ nội dung kiến thức, nền giáo dục bằng cấp, sang nền giáo dục theo hướng phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học. Từ thay đổi tư duy này sẽ kéo theo thay đổi về mục tiêu, phương pháp dạy học.

Thứ ba, thay đổi tư duy dạy học trong 4 bức tường qua dạy học mở rộng qua nhiều hoạt động.

Thứ tư, là đổi mới đánh giá theo hướng phát huy năng lực người học. Thời gian qua, thực hiện đổi mới này, Bộ đã ban hành thông tư 30, sau đó là thông tư 22 đối với Tiểu học và thông tư 58 đối với THCS.

Thứ năm, đổi mới tư duy từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, nhu cầu xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ mong muốn giáo viên nắm rõ 5 thay đổi tư duy quan trọng này để phát huy trách nhiệm của mình, nhận thức được mình cần phải làm gì trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới và thay sách giáo khoa.

Bài và ảnh: HN