Bài 2: Giáo viên có được hưởng lợi?

 

Chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở GD mầm non, trường phổ thông công lập đi vào cuộc sống.

Hướng về lợi ích nhà giáo

Với kinh nghiệm 22 năm công tác trong ngành Giáo dục, trong đó 13 năm là cán bộ quản lý, ông Nguyễn Văn Định, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp nhận định: Thông tư số 01, 02, 03, 04 của Bộ GD&ĐT có những điều chỉnh theo hướng có lợi cho đội ngũ giáo viên.

"Chùm Thông tư đã căn cứ vào thực tế triển khai các quy định hiện hành về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được thực hiện giai đoạn từ 2015 - 2020. Trong đó có khắc phục những tồn tại, bất cập từ thực tiễn để điều chỉnh, như câu chuyện về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; việc giáo viên các cấp học mầm non, tiểu học, THCS có trình độ cao hơn chuẩn nhưng hệ số lương khởi điểm vẫn ở mức thấp (1,86 bậc 1 với giáo viên mầm non, tiểu học và 2,10 với bậc 1 giáo viên THCS). Các Thông tư cũng cập nhật yêu cầu mới đặt ra từ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để điều chỉnh một cách phù hợp trong từng tiêu chuẩn cụ thể ở các hạng" - ông Nguyễn Văn Định làm rõ.

Bên cạnh những nội dung trên, ông Nguyễn Văn Định còn nhấn mạnh đến việc cấp học mầm non, tiểu học, THCS có sự thay đổi về hạng chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm xếp lương do quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo. Theo đó, 3 cấp học này có sự điều chỉnh tăng về hạng, hệ số lương, điều này có thể nói là rất tốt và có lợi cho đội ngũ.

"Theo quy định của Thông tư mới, giáo viên tiểu học, THCS, THPT hạng cao nhất (hạng I) được xếp vào nhóm viên chức loại A2.1, hệ số lương khởi điểm 4,40 - tương đương với chuyên viên chính (công chức) và giảng viên chính hạng II (viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học). Đó là điều  đáng mừng, cho thấy sự ủng hộ, hỗ trợ của Nhà nước, từng bước góp phần nâng cao đời sống và chất lượng của đội ngũ." - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp nhận định.

Không còn "cá mè một lứa", giỏi kém lẫn lộn

Trong các Thông tư của Bộ GD&ĐT mới ban hành, việc điều chỉnh yêu cầu về ngoại ngữ, tin học với giáo viên từ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo (minh chứng phải bằng các văn bằng, chứng chỉ), sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ (minh chứng được xác nhận qua khả năng ứng dụng ngoại ngữ, tin học vào thực hiện nhiệm vụ cụ thể của hạng) là sự điều chỉnh tốt và có lợi cho giáo viên.

Khẳng định điều này, ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam cho rằng: Quy định trên hạn chế được tình trạng học giả, thi giả, mua bán văn bằng chứng chỉ cho đẹp hồ sơ. Tuy nhiên, điều chỉnh như vậy không có nghĩa là không còn yêu cầu về năng lực ngoại ngữ, tin học với giáo viên. Nếu bỏ hẳn yêu cầu về ngoại ngữ, tin học, chúng ta sẽ đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại. Ở đây, phải thấy sự điều chỉnh của Bộ GD&ĐT là kịp thời và thiết thực. Năng lực ngoại ngữ, tin học của giáo viên sẽ được đánh giá qua ứng dụng cụ thể vào từng nhiệm vụ của hạng một cách phù hợp và thực chất. Ngoài ra, giáo viên khi được phân loại, sẽ không "cá mè một lứa", giỏi - kém lẫn lộn. Ai đủ điều kiện thì thăng hạng và được xếp vào những nhóm hạng khác nhau. Từ đó, giáo viên phải cố gắng liên tục, yên tâm, gắn bó và toàn ý với nghề.

Còn Phó Giám đốc Phùng Quốc Lập nhận định: Điều kiện tiêu chuẩn với các chức danh nghề nghiệp giáo viên theo quy định mới khá phù hợp với mặt bằng chung của công chức, viên chức hiện nay. Bên cạnh đó, cần phải hiểu một cách thấu đáo về các hạng và tiêu chuẩn để thấy sự phù hợp. Các hạng chức danh nghề nghiệp được Bộ GD&ĐT xây dựng theo bậc thang, mỗi cấp đều có 3 hạng từ thấp đến cao. Trong đó, hạng thấp nhất mang tính nền tảng, cơ bản. Hạng cao hơn là các yêu cầu của hạng nền tảng cùng những tiêu chuẩn chỉ hạng đó mới có. Trong trường hợp không có nhu cầu thăng hạng, giáo viên chỉ cần đạt chuẩn ở hạng hiện giữ (kể cả hạng thấp nhất) vẫn được hưởng đầy đủ lương, phụ cấp theo lương và các trợ cấp khác (nếu có) theo quy định.

Cùng quan điểm này, theo ông Nguyễn Văn Định, vào thời điểm cả nước đang tích cực thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và chuẩn bị cải cách toàn diện hệ thống tiền lương, Bộ GD&ĐT ban hành các thông tư quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, cách xếp lương với giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông là phù hợp với yêu cầu mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục. Việc quy định các điều kiện, tiêu chuẩn (nhất là yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tương ứng) với từng hạng của mỗi bậc học theo hướng cao dần là cần thiết. Đây là cơ sở để mỗi giáo viên ở từng bậc học không ngừng phấn đấu, tích cực bồi dưỡng để không chỉ đạt được mà còn thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.

"Tuy nhiên, mọi thay đổi đều phát sinh những khó khăn nhất định; đặc biệt là giáo viên còn thiếu nhiều tiêu chí sẽ lo lắng. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT, các địa phương và cơ sở giáo dục cần tiếp tục hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi, động viên khuyến khích giáo viên tích cực hoàn thiện. Việc chuyển tiếp có hiệu quả sang các Thông tư mới sẽ giúp đội ngũ giáo viên phổ thông cả nước an tâm công tác, góp phần thực hiện tốt chủ trương cải cách tiền lương và tác động tích cực đến kết quả đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT" - ông Nguyễn Văn Định nêu quan điểm.

Là cán bộ quản lý giáo dục, 2 lợi ích của Thông tư mới được ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ nhấn mạnh là việc không bắt buộc giáo viên phải học, thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và cách xếp lương. Cụ thể, giáo viên mầm non ở hạng thấp nhất (hạng III) hưởng lương mức khởi điểm hệ số 2,10 thay vì 1,86; giáo viên tiểu học hạng thấp nhất (hạng III) hưởng mức lương khởi điểm 2,34 thay vì hệ số 1,86; giáo viên THCS hạng thấp nhất (hạng III) được hưởng lương khởi điểm 2,34 thay vì 2,10.

Theo GD&TĐ