Qua rồi thời "thầy vãi thóc, trò nhặt được hạt nào thì nhặt"

Dạy học thế nào để đáp ứng được yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng cao chất lượng bài giảng, khiến học sinh yêu thích môn học hơn… là câu hỏi giáo viên nào cũng muốn có câu trả lời.

Việc dạy và học ngày nay khác xa trước đây. Thay vì học sinh thụ động tiếp thu kiến thức, thầy thao thao giảng bài, có gì nói ấy thì nay, học sinh phải là trung tâm của tiết học.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, cách dạy học bây giờ không phải kiểu "vãi" kiến thức ra đấy, học sinh nhặt được bao nhiêu biết bấy nhiêu như trước đây.

Giáo viên phải là người biết tổ chức để học sinh tự học, gắn tư duy với thực tiễn. Kiến thức giờ tra trên mạng sẵn có, nên thầy phải khiến học sinh biết sử dụng kiến thức vào đâu, như thế nào…

"Cách dạy truyền thống đã thay đổi hoàn toàn. Nếu giáo viên chỉ nhăm nhăm lên lớp đứng giảng bài thụ động thì sẽ tiết học sẽ nhàm chán, trò không muốn học. Thế nên làm thầy bây giờ khó lắm.

Giáo viên buộc phải phát triển chuyên môn nghiệp vụ của mình, làm sao bài giảng trở nên sinh động, lôi cuốn học trò, đem lại cho các em nhận thức mới, thúc đẩy sự sáng tạo, tìm tòi nơi các em. Có như thế, thầy phải có kiến thức phong phú ở nhiều lĩnh vực.

Chỉ có đầu tư nâng cao nghiệp vụ thì giáo viên mới chủ động biến lý thuyết khô khan thành những tri thức sống động, gắn liền với thực tiễn để học sinh học theo. Nếu không, bản thân giáo viên sẽ bị học sinh quay lưng, nghề nghiệp đào thải", TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết.

TS. Nguyễn Tùng Lâm

Để nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục một cách hiệu quả thì mấu chốt vẫn là ý thức tự thân của chính bản thân người trong cuộc. Giáo viên phải tự giác thực hành, thực sự có mong muốn đổi mới, nâng cao chất lượng bài giảng, cũng là nâng cao trình độ của mình, thì mới đạt hiệu qủa cao.

Đây chính là nội lực, là động lực của nhà giáo, tính tự giác đổi mới của mỗi giáo viên. Nếu giáo viên ỉ lại, lười suy nghĩ, lười thay đổi, lười vận động thì không thể đổi mới giáo dục.

Đổi mới bài giảng, phát hiện nhân tài

Khẳng định việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ có vai trò mấu chốt cực kỳ quan trọng, cô giáo Lê Thị Giang, trường THCS Quỳnh Mai (Quỳnh Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, mỗi ngày lên lớp, mỗi bài giảng của giáo viên, đều phải có lao động sáng tạo. Để tạo ra cái hay, hấp dẫn, cái mới trong bài giảng, để thu hút học sinh, khơi dậy niềm say mê học tập, buộc giáo viên phải bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hàng ngày.

Ví dụ như để thay đổi một phương pháp giảng dạy cụ thể, phải trao đổi với các giáo viên trong nhóm, trong trường, rồi bản thân giáo viên phải tự tổ chức trên lớp. Không ai kiểm soát, kiểm tra đánh giá, nhưng tự mình ý thức phải thay đổi. Để thay đổi phương pháp, giáo viên sẽ vất vả hơn nhiều, phải di chuyển nhiều hơn, quản lý lớp tốt hơn, tổ chức dạy khoa học hơn.

"Để làm thế thì phải thoát khỏi tư duy truyền thống, không chạy theo điểm số mà đi vào thực chất bài giảng, giúp học sinh cảm thấy thú vị hơn, giúp phát triển năng lực cho học sinh. Bài giảng định hướng phương pháp tổ chức.

Một bài có nhiều cách tổ chức khác nhau và đặt ra vấn đề mục tiêu của bài giảng là gì, giáo viên phải nghiên cứu giáo án để làm sao tác động được đến từng học sinh. Qua đó, giúp giáo viên phát hiện năng lực của học sinh. Bởi mỗi em có một tố chất khác nhau.

Có em giỏi vẽ, có em giỏi hát, có em lại thiên về âm nhạc, cảm nhận, rồi có em hợp với hoạt động thể chất… Qua bài giảng, giáo viên phải nắm được học sinh có thiên hướng như thế nào để phát huy", cô giáo Lê Thị Giang cho biết.

Theo cô Giang, để đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục, giáo viên phải nắm vững tất cả những cách thức, phương pháp tổ chức khác nhau của một tiết dạy. Thực hiện nó như thế nào, hệ thống tổ chức ra sao, đem lại hiệu quả giảng dạy thế nào. Qua nhiều tiết dạy, giáo viên sẽ hình thành kỹ năng mới.

Thực tế đổi mới phương pháp cho thấy học sinh thoải mái hơn, không còn áp lực học quá nặng nề, mối quan hệ của các học sinh với nhau tốt hơn. Không còn tình trạng phân loại giỏi hay kém như trước đây mà bạn nào cũng có thế mạnh riêng, có thể tự tin về thế mạnh của mình.

Ví dụ học đến bài về văn hóa dân gian, dân ca Việt Nam, có thể có bạn học kém môn văn nhưng lại hát dân ca rất hay, thì qua tương tác với học trò, giáo viên có thể phát hiện thế mạnh này của học trò.

Để làm được thì trước tiên giáo viên phải có trách nhiệm với học trò, yêu nghề, liên tục đổi mới bài giảng, đổi mới cách thức truyền đạt để học sinh yêu bộ môn hơn. Nếu giáo viên không nghiên cứu, không phát triển chuyên môn thì sẽ làm hỏng tiết dạy, khiến học sinh thụ động và không khai thác được tiềm năng của học sinh, không phát huy được năng khiếu của các em.

Chương trình ETEP đồng hành cùng nhà giáo

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Bộ GD&ĐT có rất nhiều chương trình bồi dưỡng phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Ví dụ như Chương trình ETEP (Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông) rất hữu ích và cần thiết.

Chương trình ETEP có mục tiêu cốt lõi là bồi dưỡng thường xuyên, phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ cơ sở giáo dục phổ thông bằng một mạng lưới hỗ trợ tự bồi dưỡng. Mạng lưới ấy hình thành bởi chuyên gia của 8 trường sư phạm chủ chốt, đội ngũ cốt cán hỗ trợ cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông của 63 tỉnh thành.

Hình thức bồi dưỡng được đổi mới, đó là ứng dụng CNTT, thông qua hệ thống hệ thống quản lý, bồi dưỡng trực tuyến để bồi dưỡng đội cho ngũ nhà giáo một cách thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ".

Thay vì phải đi bồi dưỡng tập trung, tốn kém chi phí, giáo viên có thể học ở bất kỳ đâu, chủ động được cả không gian và thời gian học tập, được hỗ trợ ngay tại nhà trường, qua mạng bởi các chuyên gia và đội ngũ cốt cán.

Để giúp đội ngũ nhà giáo tự bồi dưỡng hiệu quả, ETEP đang xây dựng Hệ thống quản lý học tập (LMS), Hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng giáo viên (TEMIS) qua mạng. Toàn bộ các Chương trình bồi dưỡng thường xuyên mà ETEP phát triển cũng như nguồn học liệu mở sẽ được kết nối với hệ thống này. Đặc biệt, các thầy cô giáo và cán bộ quản lý được hỗ trợ liên tục bởi mạng lưới hỗ trợ gồm đội ngũ chuyên gia sư phạm và đội ngũ cốt cán.

Dự kiến sẽ có khoảng 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán, 4.000 cán bộ quản lý cốt cán sẽ được tập huấn, bồi dưỡng 54 module liên tục trong 3 năm. Đội ngũ cốt cán này cùng với các chuyên gia của 8 trường sư phạm sẽ hỗ trợ việc tự bồi dưỡng cho khoảng 850.000 giáo viên phổ thông và 70.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông thông qua mạng.

Và để công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đạt hiệu quả cao, ETEP đang hỗ trợ 8 trường SP/học viện phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên sư phạm, đặc biệt là đội ngũ giảng viên chủ chốt - một mắt xích quan trọng trong mạng lưới hỗ trợ các nhà giáo.

8 đơn vị được lựa chọn đầu tư bao gồm: Trường ĐHSP Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐHSP - ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Vinh, Trường ĐHSP - ĐH Huế, Trường ĐHSP - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh và Học viện Quản lý Giáo dục.

Chương trình ETEP kỳ vọng sẽ bồi dưỡng, phát triển một thế hệ nhà giáo mới, năng động, sáng tạo, biết chia sẻ kiến thức cho đồng nghiệp, liên tục phát triển chuyên môn nghề nghiệp, đáp ứng đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.

An Nhiên