Chương trình giáo dục phổ thông mới tập trung vào việc tạo hứng thú, khuyến khích học sinh khám phá kiến thức, biết vận dụng hiệu quả kiến thức đã học vào thực tiễn đời sống, đồng thời phát triển tư duy, có chính kiến và tự chủ hơn. Theo cô Dư Thị Thanh Mai, định hướng mới này đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ từ phía giáo viên, phụ huynh.

Qua nhiều năm kinh nghiệm dạy học và nghiên cứu các phương pháp giảng dạy mới, cô Thanh Mai chia sẻ cách giáo viên cần bắt kịp với những thay đổi của giáo dục, đặc biệt khi năm học 2020 - 2021 tới đây chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai từ khối lớp một.

Cô giáo Dư Thị Thanh Mai

Thay đổi tư duy trong giảng dạy

Thứ nhất, giáo viên cần thay đổi tư duy và cách thức tiếp cận vấn đề. Trong thời đại hiện nay, các kênh thông tin phát triển mạnh, học sinh có nhiều nguồn tài liệu để tra cứu và tìm hiểu. Thay vì tập trung nhiệm vụ truyền đạt kiến thức, giáo viên cần trở thành người truyền cảm hứng và định hướng cho sự phát triển của học sinh. Khi thay đổi tư duy theo hướng này, giáo viên mới có thể thay đổi về phương pháp giảng dạy và tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ hai, giáo viên cần đóng vai trò là người đồng hành, dẫn dắt và định hướng cho học sinh trong việc học. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, việc dạy học không còn theo hướng truyền thụ kiến thức một chiều, không còn việc học sinh ghi chép và trả lời theo khuôn mẫu. Để giảng dạy đạt hiệu quả, giáo viên cần sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp và kỹ thuật giảng dạy, kết hợp các hình thức học hiện đại và tích cực như: phương pháp gợi mở, sử dụng nhiều câu hỏi vấn đáp, tham khảo các kỹ thuật tổ chức hoạt động của học sinh (kỹ thuật mảnh ghép, kỹ thuật bàn tay nặn bột...).

Thứ ba, giáo viên cần chủ động và linh hoạt hơn trong việc xác định mục tiêu của bài học, xây dựng nội dung chi tiết và triển khai giảng dạy. Dựa vào mục tiêu và nội dung các bài học trong sách giáo khoa, với mỗi hoạt động dạy học trong cùng một chủ đề kiến thức, giáo viên nên thiết kế các hoạt động đa dạng cho học sinh như làm thí nghiệm, lập dự án học tập, trải nghiệm thực tế... Qua đó, học sinh sẽ có nhiều cơ hội để khám phá kiến thức, thực hành những điều đã được học và dần vận dụng được kiến thức môn học, kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề trong đời sống.

Cập nhật phương pháp giảng dạy mới

Theo cô Thanh Mai, để học sinh từng bước đạt đến các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới về phẩm chất, năng lực thì trước tiên, giáo viên cần nghiên cứu kỹ chương trình tổng thể và chương trình môn học để lên kịch bản giảng dạy cho từng tiết học. Kịch bản giảng dạy cần hướng dẫn học sinh các kỹ năng cơ bản (làm việc nhóm, tìm kiếm thông tin...), để khi thực hiện các hoạt động trên lớp, học sinh có thể phối hợp cùng giáo viên tìm hiểu kiến thức một cách nhẹ nhàng.

Việc kiểm tra đánh giá trong chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi: đánh giá cả quá trình học và sau quá trình học. Thay vì chỉ kiểm tra theo định kỳ như trước đây, giáo viên nên có những cách thức mới để theo dõi và đánh giá được toàn diện quá trình học tập của học sinh. "Giáo viên nên lắng nghe học sinh trình bày, giải thích, từ đó đánh giá năng lực của các em. Đánh giá theo cách như vậy sẽ đầy đủ được cả tư duy, kiến thức và giúp học sinh có nhiều cơ hội hơn để sáng tạo, phát triển kỹ năng, phát triển chuyên môn của bản thân trong tương lai", cô Thanh Mai cho biết.

Bên cạnh đó, mỗi giáo viên cần liên tục trang bị cho mình kiến thức tổng hợp của nhiều lĩnh vực, nhiều bộ môn, cập nhật các mô hình, phương pháp dạy học hiện đại, dạy học tích hợp, dạy học theo định hướng STEM và linh hoạt trong việc sử dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Để làm được điều này, giáo viên nên chủ động học tập từ đồng nghiệp, từ cộng đồng giáo viên hay tham gia các khóa học bồi dưỡng, nâng cao trình độ...

Theo Thế Đan (VnExpress)