PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền - Phó Giám đốc Chương trình ETEP

Ưu tiên bồi dưỡng 100% giáo viên tiểu học cốt cán

PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ những điểm mới trong hoạt động bồi dưỡng  GV, đặc biệt là GV tiểu học cốt cán lần này?

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền: Trong công tác bồi dưỡng GV cốt cán trong Chương trình GDPT 2018 có 2 điểm mới:

Thứ nhất, là về hình thức bồi dưỡng, Bộ GD&ĐT đã sử dụng hình thức bồi dưỡng kết hợp (thầy cô học qua mạng trước rồi sau đó đến giai đoạn bồi dưỡng trực tiếp). Đội ngũ được bồi dưỡng theo hình thức này được lựa chọn từ các địa phương giới thiệu lên (đáp ứng các tiêu chí lựa chọn của Bộ GD&ĐT) được gọi là các GV cốt cán, hiệu trưởng cốt cán.

Các thầy, cô cốt cán sau đó sẽ có nhiệm vụ tiếp tục hỗ trợ các GV đại trà tự học qua mạng tại địa phương, đảm bảo được mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục và tại chỗ.

Nói một cách hình ảnh, mô hình bồi dưỡng thường xuyên liên tục tại chỗ đang được Bộ GD&ĐT triển khai gồm 2 vectơ: vectơ về hạ tầng đó chính là hệ thống bồi dưỡng qua mạng (LMS) và vectơ về nhân lực đó chính là đội ngũ GV và cán bộ quả lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Vectơhợp lực khi đó chính là mô hình bồi dưỡng thường xuyên liên tục, tại chỗ hiệu quả.

Thứ hai, là việc huy động các trường ĐHSP tham gia chương trình ETEP chủ động tham gia bồi dưỡng GV và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Trước đây các trường SP thường được mời tham gia quá trình bồi dưỡng bằng cách cử cán bộ giảng viên làm báo cáo viên. Lần này, các trường ĐHSP tham gia Chương trình ETEP trực tiếp được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ, chủ động trong công tác tổ chức, chủ động phối hợp với các địa phương để vừa cử giảng viên bồi dưỡng GV cốt cán, vừachịu trách nhiệm hỗ trợ GV cốt cán trong quá trình GV cốt cán triển khai nhiệm vụ hỗ trợ đồng nghiệp tự bồi dưỡng tại địa phương.

Năm nay, việc ưu tiên bồi dưỡng đội ngũ GV tiểu học cốt cán cũng như GV đại trà được Bộ GD&ĐT quan tâm nhấn mạnh, trong đó ưu tiên bồi dưỡng 100% GV tiểu học trong đợt bồi dưỡng này.

PV: Công tác bồi dưỡng hàng ngàn giáo viên cốt cán về Chương trình GDPT 2018 đã diễn ra. Ông đánh giá như thế nào về việc tổ chức bồi dưỡng, việc triển khai phương thức bồi dưỡng mới?

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền: Bồi dưỡng lần này là sự kết hợp giữa tự học qua mạng và học trực tiếp. Điểm thuận lợi đầu tiênlà các GV dù cốt cán hay đại trà đều được tiếp cận nguồn học liệu gốc, từ đầu (được hướng dẫn bởi các tổng chủ biên và chủ biên chương trình). Học liệu này tồn tại trên mạng, các thầy cô có thể tự học đi, tự học lại rất nhiều lần, giúp các thầy cô học thường xuyên liên tục, bất kể lúc nào có thể khi thấy cần phải học.

Đội ngũ GV cốt cán, ngoài tìm hiểu, nghiên cứu bài học trước qua mạng, các thầy cô cũng có giai đoạn được bồi dưỡng trực tiếp, được hướng dẫn bởi các giảng viên chủ chốt của các trường ĐHSP tham gia Chương trình ETEP. Giai đoạn này giúp các các thầy cô giải đáp các băn khoăn trong quá trình tự học.

Tuy nhiên, cái khó khăn của đội ngũ GV là ở chỗ, do hình thức bồi dưỡng mới, giáo viên tham gia các bài học trên mạng giai đoạn đầu gặp không ít bỡ ngỡ. Trong công tác tổ chức, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các trường ĐHSP tăng cường các giảng viên chủ chốt, hỗ trợ các thầy cô tự học qua mạng. Điều này cũng sẽ cần được áp dụng trong phương pháp bồi dưỡng đại trà.

Khích lệ giáo viên trao đổi, sáng tạo

PV: Là người trực tiếp theo dõi và giám sát hoạt động bồi dưỡng GV cốt cán của các trường ĐHSP, ông nhận thấy việc GV cốt cán tham gia bồi dưỡng như thế nào, tâm tư nguyện vọng của họ ra sao?

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền: Tính đến ngày 01/11/2019, trong tổng số 28.000 GV cốt cán sẽ bồi dưỡng theo kế hoạch, các trường ĐHSP đã tổ chức bồi dưỡng qua mạng và trực tiếp hơn 17.000 thầy cô. Trong quá trình giám sát, các chuyên gia tư vấn của Chương trình ETEP cũng đã phỏng vấn trực tiếp GV cốt cán tham gia bồi dưỡng. Phản hồi từ phía các GV cốt cán là rất tích cực. Lần đầu tiên các thầy cô được tiếp cận với chương trình mới, các thầy cô khá chủ động, học liệu cũng được ghi nhận tốt, các thầy cô có thể tự học trước và hiểu được nhiều vấn đề.

Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của đội ngũ giảng viên chủ chốt, đội ngũ cốt cán rất tự tin, về chuyên môn có tính sáng tạo.

Ngoài ra, các trường sư phạm tham gia Chương trình ETEP cũng khá sáng tạo, đã lập ra các nhóm học tập trên facebook, giúp các thầy cô cốt cán có diễn đàn giao lưu trao đổi, dần dần trở thành cộng đồng học tập.

PV: Tôi cho rằng quan trọng là xây dựng được một cộng đồng học tập cho đội ngũ GV chứ không chỉ là GV cốt cán. Để xây dựng và phát triển cộng đồng này, phục vụ mục đích giúp các thầy cô giáo hỗ trợ nhau học tập, tự bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp, theo ông điều gì là cốt yếu để kết nối?

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền: Đúng vậy. Việc thành lập cộng đồng mạng là không khó, để duy trì cho cộng đồng đó phát triển là điều quan trọng. Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất để duy trì cộng đồng học tập đó chính là các chủ đề học tập. Những vấn đề đưa ra trên cộng đồng đó phải có sức hút, tạo ra mối quan tâm của đông đảo các thành viên. Đơn vị quản trị của cộng đồng đó cần đóng vai trò thúc đẩy, tạo ra những chủ đề để GV cùng quan tâm, trao đổi, cũng như khích lệ GV tham gia cộng đồng như vậy. Thành viên nào tích cực, có đóng góp tốt cần phải được khích lệ, động viên kịp thời, tạo động lực về tinh thần và chuyên môn cho họ.

Hệ thống học tập qua mạng do Bộ GD&ĐT triển khai cũng có tính năng hỗ trợ hình thành các cộng đồng học tập, ví dụ như tính năng diễn đàn trao đổi. Khi triển khai bồi dưỡng đại trà, tài khoản quản trị cũng sẽ được bàn giao cho các Sở GD&ĐT. Lúc đó, vai trò của các Sở phối hợp cùng các trường SP trong việc thúc đẩy các cộng đồng học tập như vậy là rất quan trọng.

Bồi dưỡng không có sách giáo khoa là cơ hội để giáo viên sáng tạo

PV: Ở chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình sẽ là "pháp lệnh", được áp dụng chung cho cả nước. Sách giáo khoa chỉ là tài liệu cụ thể hóa của chương trình. Do đó, việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sẽ căn cứ theo chương trình tổng thể, chương trình môn học, không phụ thuộc vào sách giáo khoa như trước đây. Vậy, việc bồi dưỡng GV không có SGK có hạn chế gì không thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền: Theo tinh thần đổi mới, chúng ta đang hướng dẫn các thầy, cô giáo tìm hiểu để có thể thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đây là cách tiếp cận mới hoàn toàn.

Trước đây, theo thông lệ, GV thường sử dụng SGK và có thể tìm hiểu thêm về đặc điểm chương trình để tổ chức dạy học. Trong giai đoạn tới, trong tay các thầy cô sẽ chỉ có chương trình giáo dục phổ thông là quy định chung, ở đó chỉ nêu ra những yêu cầu cần đạt. Các nguyên liệu để các thầy cô tổ chức hoạt động dạy học và hướng dẫn HS đạt mục tiêu học tập, đáp ứng yêu cầu cần đạt sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng sáng tạo của GV.

Ngay cả trong giai đoạn bồi dưỡng hiện nay, bắt đầu bước vào tìm hiểu Chương trình GDPT 2018, các trường SP cũng đã từng bước hướng dẫn GV phải thực sự hiểu và phân tích được đặc điểm CT môn học. Đây là khung xương sống rất quan trọng để các thầy cô phát triển kế hoạch dạy học (giáo án) mà ở đó, các thầy cô dùng đa dạng các nguồn tài liệu khác nhau để tổ chức tốt hoạt động của HS.

PV: Nói như vậy có nghĩa là việc bồi dưỡng không có SGK lại là cơ hội để GV sáng tạo?

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền: Chính xác như vậy. Thực tế hiện nay các thầy các cô trong quá trình lên lớp cũng không dựa hoàn toàn vào SGK. Trong công tác chỉ đạo của Bộ GD&ĐT (đặc biệt trong công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 10/3/2017) cũng đã hướng dẫn các trường, các tổ nhóm chuyên môn hàng năm phối hợp với nhau để rà soát chương trình, SGK, tinh giản kiến thức, thành lập các chủ đề học tốt. Rõ ràng trong quá trình thực hiện Chương trình GDPT hiện hành, các thầy cô đã và đang làm quen với quá trình tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS.

Khi tạo ra được các chủ đề dạy học tốt thì nguồn học liệu mà các thầy cô sử dụng tất nhiên sẽ đa dạng. Do đó, có thể thấy, thực tế hiện nay GV đã và đang dạy học bằng nhiều nguồn tài liệu tham khảo. Thời gian tới, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, việc tạo điều kiện cho GV thực hiện CT một cách chủ động sáng tạo, trên nhiều nguồn học liệu sẽ có nhiều thuận lợi với các thầy cô.

PV: Để lan tỏa tinh thần của đổi mới đến toàn bộ giáo viên phổ thông trong cả nước, theo quan điểm của ông, GV cốt cán cần có được phẩm chất, năng lực gì sau khi tập huấn?

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền: Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư 14 và Thông tư 20 về chuẩn Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Trong đó, đã xác định rõ các tiêu chuẩn của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.

Trong thực tế bồi dưỡng, chúng tôi nhấn mạnh thêm với các GV cốt cán về nhiệm vụ cụ thể của thầy, cô trong đợt bồi dưỡng này là:

Thứ nhất, các GV cốt cán phải nâng cao năng lực chuyên môn của chính bản thân (không chỉ là những kiến thức của môn học mà đặc biệt là các hiểu biết của thầy cô về Chương trình GDPT 2018).

Thứ hai, các GV cốt cán cần có khả năng hướng dẫn đồng nghiệp của mình tại địa phương, cụm trường, hoặc khi Sở, Phòng GD&ĐT yêu cầu. Các GV cốt cán cần lập được kế hoạch chia sẻ với các đồng nghiệp tại địa phương, biết cách tạo động lực tích cực cho các đồng nghiệp.

Thứ ba, GV cốt cán luôn cần có tinh thần đổi mới và sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp.

Bên cạnh đó, độ ngũ cốt cán này cũng cần được các sở, phòng giáo dục và đào tạo của các địa phương quản lý, sử dụng phù hợp; các địa phương cần có chính sách khuyến khích, động viên đội ngũ cốt cán, để các thầy, cô thực sự trở thành nguồn lực quan trọng cho mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục và tại chỗ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

PV