Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Mai Văn Tỉnh, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD&ĐT, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu và Phân tích Chính sách, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam về vấn đề này.

Truy cập tài nguyên giáo dục mở

- Ông có thể cho biết vai trò của e-learning trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học tại Việt Nam?

E-learning là một phương thức giáo dục mới trong xu thế toàn cầu của phong trào giáo dục mở để triển khai cuộc cách mạng mới về học tập ở đầu thế kỷ 21, trước hết là ở bậc GD đại học để đáp ứng thách thức của CMCN 4.0 và yêu cầu của kinh tế số hóa. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, GD đại học truyền thống đã tồn tại hơn 800 năm qua và không phải tất cả các cơ sở GD đại học truyền thống đều có khả năng ứng dụng e-learning như nhau. 

Theo TS Charles Juwah, (Vương quốc Anh) thì ở Mỹ năm 2011 ít nhất 6,7 triệu sinh viên có tối thiểu 1 khóa học online và 32% sinh viên toàn cầu có ít nhất 1 khóa học online. Về các khóa học online đại chúng (MOOCs) mới chỉ có 2,6% cơ sở GDĐH thực hiện và 9,4% các trường đang lập kế hoạch MOOCs.

- Thách thức đặt ra cho e-learning với mục tiêu xây dựng hệ thống giáo dục và đào tạo theo hướng mở hiện nay là gì?

Nhiều trường đang tích cực hưởng ứng áp dụng dạy và học điện tử, hay truy cập tài nguyên giáo dục mở, nhưng thách thức lớn nhất với họ là khi áp dụng các khóa học online đại chúng (MOOCs) từ phương Tây, không khắc phục được rào cản ngôn ngữ tiếng Anh, vì trình độ tiếng Anh của người học còn hạn chế. 

Nhiều cơ sở tư nhân trong nước tổ chức kết nối học từ xa chương trình GD phổ thông trực tuyến với Mỹ cũng đều thất bại. Chủ yếu các tổ chức giáo dục này chưa biết kết hợp phương thức pha trộn các phương pháp dạy và học trực tiếp truyền thống với trực tuyến, đặc biệt là thiếu kinh nghiệm tương tác giữa e-learning, e-teaching (bài giảng trực tuyến) và e-tutoring (phương pháp hướng dẫn trực tuyến).

Một trong những nguyên nhân chính là các nhà trường chưa chú ý công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ đào tạo, giáo viên dạy điện tử, cố vấn dạy kèm điện tử từ xa. Giáo viên dạy điện tử hầu như chưa có trải nghiệm học e-learning. Cái trở ngại lớn nhất lại là thiếu chính sách chiến lược tầm vĩ mô về công nghệ dạy - học điện tử, mặc dù điều kiện công nghệ thông tin và truyền thông theo băng thông rộng phủ sóng 3G, 4G có sẵn và phủ sóng khắp nơi.

Bồi dưỡng kỹ năng số hóa cho giảng viên

- Để hoàn thiện phương thức e-learning trong CMCN 4.0 thì cần tập trung vào các nhóm giải pháp nào, thưa TS?

Về chính sách vĩ mô, Việt Nam nên học kinh nghiệm của một số nước Đông Âu cũ như Slovakia chẳng hạn. Họ chuẩn bị chiến lược quốc gia cho e-learning dựa vào 3 trụ cột chiến lược như: Cung cấp nội dung số hóa cho các cơ sở GDĐH và can thiệp vào việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở (các tài liệu học tập điện tử) bằng tiếng mẹ đẻ; Trong quá trình số hóa nội dung GD, Chính phủ rất chú y hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ICT cần thiết như: 

Internet tốc độ cao, băng thông rộng… Chú ý tới sự ưa thích của người học để thích nghi và tăng động cơ học tập; Bồi dưỡng kỹ năng số hóa và kỹ năng ICT cho giảng viên.

Theo tôi, song song với việc khuyến khích các trường ĐH tiếp cận truy cập mở và đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ về e-learning cho cán bộ đào tạo, giáo viên… Bộ GD&ĐT cần đặc biệt chú ý khâu đột phá quan trọng nhất trong cải cách hệ thống đào tạo giáo viên là đổi mới và ứng dụng e-learning trong đào tạo giáo viên ban đầu ở các trường ĐH, CĐ sư phạm Trung ương và địa phương.

- Khi xác định e-learning là khâu quan trọng nhất trong cải cách hệ thống đào tạo giáo viên, giảng viên có vai trò như thế nào trong việc triển khai phương thức này?

Dưới tác động CMCN 4.0 vai trò của người giáo viên trong GD 4.0 đã hoàn toàn thay đổi và phức tạp hơn rất nhiều. Giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà phải là nhà cố vấn học tập có đầu óc mở, là người xúc tác việc học của trò, phải chịu trách nhiệm không phải chỉ việc dạy của mình mà là việc học hiệu quả của trò. Trong triển khai e-teaching và e-learning cả ở giáo dục chính quy lẫn giáo dục từ xa, chỉ giáo viên nào đã từng trải nghiệm học điện tử, học online thì mới làm tốt vai trò dạy điện tử, gia sư điện tử để giúp sinh viên học điện tử một cách tốt nhất.

Sắp tới đây, chúng tôi sẽ cho ra đời cuốn sách "Ứng dụng e-learning, e-teaching trong giáo dục đại học - Kinh nghiệm thế giới áp dụng cho Việt Nam" do Ban Chính sách Hiệp hội các trường CĐ, ĐH xuất bản. Cuốn sách sẽ cung cấp thông tin, kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên, cán bộ đào tạo điện tử trong lĩnh vực khoa học nghệ thuật, xã hội - nhân văn, chăm sóc sức khỏe, hay đào tạo giáo viên ban đầu… ở các nước Bắc Âu và Bắc Mỹ. Đây sẽ là tài liệu hữu ích cho các cơ sở đào tạo đại học Việt Nam muốn tìm hiểu và ứng dụng công nghệ học tập mới này. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Lê Đăng (GD&TĐ)