Phóng viên (PV): Thưa ông, một trong những vấn đề dư luận xã hội quan tâm là ĐNNG chuẩn bị cho chương trình GDPT mới. Vậy ngành giáo dục đã đưa ra mục tiêu thế nào để bảo đảm nguồn lực này?

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành: Giáo viên là nhân tố nòng cốt quyết định thành hay bại khi triển khai chương trình GDPT mới. Xác định được tầm quan trọng của nội dung này, ngay từ năm 2013, Bộ GD&ĐT đã tiến hành từng bước công tác bồi dưỡng giáo viên tiếp cận dần với tư duy đổi mới chương trình. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay Bộ GD&ĐT đặt ra kế hoạch, đến năm 2021 sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho đối tượng cốt cán bao gồm: 800 giảng viên sư phạm, 1.000 cán bộ quản lý cấp sở và phòng, 4.000 hiệu trưởng, 35.000 giáo viên phổ thông. Cùng với đó, sẽ hoàn thành bồi dưỡng đại trà cho khoảng 3.500 cán bộ quản lý cấp sở và phòng, gần 28.000 hiệu trưởng và khoảng 900.000 giáo viên phổ thông.

PV: Con số gần 900.000 giáo viên phổ thông có nghĩa là toàn bộ giáo viên bậc học này sẽ được bồi dưỡng chương trình mới. Điều này có cần thiết ngay không?

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành: Nhiều người lập luận, chương trình GDPT mới được triển khai bắt đầu từ năm học 2020-2021 ở lớp 1 và lần lượt các năm sau theo các lớp, các cấp học. Như vậy, về cơ bản thì số giáo viên trực tiếp giảng dạy chương trình mới bắt đầu từ năm học 2020-2021 chỉ là giáo viên trực tiếp dạy lớp 1. Sau đó đến năm học 2021-2022 ở lớp 2 cấp tiểu học và lớp 6 cấp THCS. Vì vậy cũng dễ hiểu khi có người cho rằng chưa cần thiết phải bồi dưỡng toàn bộ giáo viên.

Tuy vậy, chúng ta cần nhận thức rằng, việc bồi dưỡng giáo viên phải triển khai theo một lộ trình, đồng bộ. Bộ GD&ĐT cũng đã đề ra trong năm 2019 sẽ triển khai bồi dưỡng tập trung ở một số nội dung quan trọng để bảo đảm tất cả giáo viên hiểu đúng và có tư duy về chương trình GDPT mới. Ở mỗi nhóm đối tượng có mục đích, yêu cầu bồi dưỡng khác nhau, nhưng giáo viên sẽ được bồi dưỡng hai chuyên đề chung mang tính chất hướng dẫn, gợi mở, đó là giới thiệu chương trình GDPT mới và sách giáo khoa. Qua bồi dưỡng, giáo viên sẽ hiểu định hướng của chương trình và áp dụng định hướng này ngay vào chương trình hiện tại để có sự làm quen. Từ việc làm quen ban đầu sẽ hình thành tư duy sắp xếp lại nội dung dạy học và đổi mới phương pháp. Giáo viên thực sự hiểu về chương trình mới, phương pháp mới thì khi áp dụng sẽ không còn bỡ ngỡ.

PV: Với việc bồi dưỡng ĐNNG lần này, bài toán về giáo viên dạy các môn tích hợp trong chương trình GDPT mới sẽ được giải quyết thế nào, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành: Về cơ bản, việc bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp cũng không khác những giáo viên giảng dạy các môn còn lại. Nhiều người cho rằng, giáo viên sẽ gặp khó khăn khi được bố trí dạy môn tích hợp mà giáo viên đó chỉ được đào tạo một bộ môn. Đó là nhận thức chưa phù hợp. Trước hết, chúng ta nên hiểu đúng về các môn tích hợp. Đối với các môn này, chương trình mới sẽ thiết kế theo từng mạch chủ đề và trong đó có phân định rõ ràng tỷ lệ cho từng môn thành phần. Vì vậy, việc dạy học của giáo viên về cơ bản cũng vẫn là kiến thức đúng chuyên môn mà giáo viên đó được đào tạo. Ví dụ, ở môn Khoa học tự nhiên cấp học THCS gồm: Vật lý, Hóa học và Sinh học. Giáo viên phụ trách môn thành phần nào vẫn sẽ dạy phần kiến thức môn thành phần đó trong môn tích hợp. Chỉ khác là thời lượng phân môn sẽ được tập trung liên tục có thể trong một kỳ hoặc nửa kỳ. Do đó, việc bồi dưỡng đối với các giáo viên này cũng sẽ có thêm một số thao tác, nhưng chúng tôi đánh giá là không quá khó khăn. Chương trình bồi dưỡng sẽ chú trọng thêm một số chuyên đề giúp giáo viên hiểu rõ về cách thức triển khai thực hiện và phối hợp tốt giữa các phần kiến thức khi dạy học môn tích hợp.

PV: Để hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng vào năm 2021, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai những  phần việc cụ thể nào, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành: Về nội dung bồi dưỡng giáo viên sẽ tập trung vào việc phát triển một số nghiệp vụ cụ thể, như: Xây dựng kế hoạch dạy học và giảng dạy; sử dụng phương pháp dạy học và giảng dạy; kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; tư vấn hỗ trợ học sinh; khai thác sử dụng thiết bị dạy học...

Để triển khai các nội dung đó, trước mắt, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung tập huấn cho một số lượng giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục nòng cốt hiểu rõ về chương trình mới, cách thức triển khai, yêu cầu đổi mới của tất cả môn học. Sau đó sẽ bồi dưỡng cho 35.000 giáo viên cốt cán. Số lượng giáo viên này là để bảo đảm ít nhất mỗi trường có một giáo viên và trong một khu vực lại phải bảo đảm đủ giáo viên cốt cán ở từng môn. Quá trình bồi dưỡng đại trà sẽ không phải thực hiện theo mô hình cấp độ F1, F2... mà bồi dưỡng dưới dạng số hóa trên hệ thống để giáo viên khai thác và tự tìm hiểu dưới sự hướng dẫn của giáo viên cốt cán. Toàn bộ giáo viên có thể chủ động tìm hiểu và tự bồi dưỡng thông qua hệ thống tư liệu này. Từ đó, việc bồi dưỡng sẽ được triển khai một cách bài bản đến từng giáo viên mà vẫn bảo đảm hiệu quả.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!