Theo dự thảo, Chương trình BDTX giáo viên, cán bộ quản lý (CBQL) cơ sở giáo dục thuộc hình thức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm, với 3 nội dung bồi dưỡng gồm:

Nội dung chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ năm học các cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng trong cả nước;

Nội dung chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên theo từng thời kỳ của mỗi địa phương;

Nội dung chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành.

Thời lượng bồi dưỡng mỗi nội dung khoảng 1 tuần/năm học (khoảng 40 tiết/năm học).

Các cấp quản lý giáo dục thay đổi thời lượng nội dung chương trình bồi dưỡng ở từng nội dung chương trình bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, kế hoạch giáo dục của địa phương trong từng năm học nhưng không thay đổi tổng số thời gian bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc (120 tiết/năm học) của mỗi giáo viên trong năm học khi được cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt. 

Cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ BDTX bao gồm: Trường sư phạm, cơ sở giáo dục có khoa sư phạm, cơ sở giáo dục được phép đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

Căn cứ để đánh giá kết quả BDTX của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là kết quả thực hiện kế hoạch BDTX của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã được phê duyệt. Xếp loại kết quả BDTX giáo viên gồm: Hoàn thành kế hoạch BDTX và không hoàn thành kế hoạch BDTX.

Dự thảo cũng nêu rõ nguyên tắc bồi dưỡng phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ năm học, theo cấp học; đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của cơ sở giáo dục, địa phương; căn cứ vào chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp của giáo viên cơ sở giáo dục; căn cứ vào nhu cầu thực tế xuất phát từ quá trình công tác của giáo viên và cán bộ quản lý; theo yêu cầu vị trí việc làm, yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục phù hợp với kế hoạch bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ sở giáo dục.

Đồng thời, bảo đảm đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Thực hiện phân công, phân cấp và cơ chế phối hợp trong tổ chức BDTX. Bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả; đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; đảm bảo theo quy định hiện hành.

Theo Thảo Đan (GD&ĐT)